Xuất khẩu hồ tiêu có thể đạt 780 triệu USD
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Từ thực tiễn này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã cảnh báo các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hồ tiêu cần cân nhắc khi ứng vốn mua bán trong nước và đàm phán ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu thời gian tới, nhằm bảo đảm lợi nhuận và hạn chế rủi ro.

Hiện giá tiêu đen nội địa tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ dao động ở mức 123.000 – 125.000 đồng/kg, cao hơn 18.000 – 20.000 đồng/kg so cùng thời điểm 2011. Những nông hộ hiện còn trữ tiêu vẫn chưa bán, chờ giá cao và những doanh nghiệp mua gom trữ hàng cách đây 3 – 4 tháng, nay giá thành tại kho đã khá cao, nếu bán giá trên sẽ bị lỗ.

Vì vậy, thị trường giá cả nội địa thời gian qua khá giằng co, tiến độ mua bán rất trầm lắng và một số doanh nghiệp phải mua tiêu của Indonesia để tái xuất. Qua khảo sát ở nhiều nông hộ và doanh nghiệp, VPA cho biết, nếu giá xuất khẩu từ tháng 7-2012 trở đi đạt trên 7.000 USD/tấn (tiêu đen 500 gr/l và tỷ giá ở mức 1 USD = 21.000 đồng) sẽ kéo giá tiêu trong nước đạt trên 140.000 đồng/kg thì dân có thể sẽ bán.

Như vậy, lượng xuất khẩu năm 2012 có thể đạt 110.000 – 115.000 tấn, tổng kim ngạch có thể đạt 770 – 780 triệu USD. Ngược lại nếu không đạt giá trên thì phần lớn nông dân tiếp tục trữ hàng, doanh nghiệp bán phải chấp nhận lỗ.

Để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, kinh doanh xuất khẩu đạt hiệu quả ngày càng cao, VPA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng một số giải pháp, trong đó ngân hàng cho nông dân vay vốn thời hạn 1 năm, lãi suất hợp lý để bà con trồng tiêu tái sản xuất và có điều kiện tạm trữ tiêu khi thu hoạch và bán lúc giá cao, giáp hạt vì đây là bài học thành công mấy năm qua.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu vay vốn với lãi suất thấp hoặc bằng 0% trong 3 – 6  tháng để mua tạm trữ tiêu trong thời vụ thu hoạch (quý I hàng năm) nhằm tạo nguồn nguyên liệu chế biến sâu, tạo giá trị hàng hóa giá tăng, chủ động chân hàng trong ký kết hợp đồng xuất khẩu.

Liên Phương
Nguồn: Báo Hải quan Online