Xuất khẩu sang Đức tăng hơn 15%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Tổng cục Hải quan, tính riêng trong tháng 12/2013, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Đức đạt trị giá trên 431,55 triệu USD, tăng 2,9% so với tháng 11/2013.

Xét cơ cấu hàng xuất khẩu, chiếm kim ngạch lớn nhất là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 32,9% so với năm 2012. Tiếp đến là hàng dệt may với trị giá đạt 625,29 triệu USD, tăng 16,8%; giày dép các loại đạt 457,62 triệu USD, tăng 14,3%; hàng thủy sản tăng 2,6%, đạt 206,94 triệu USD; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt 132,45 triệu USD, tăng 17,5%… Đáng chú ý là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có mức tăng trưởng cao nhất với 108,3%, đạt kim ngạch 337,52 triệu USD.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch sụt giảm trong năm 2013 so với năm ngoái như gỗ và sản phẩm gỗ giảm 14,6%; cao su giảm 26,1%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 13,8%; sản phẩm gốm, sứ giảm 6,4%…

Theo Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, năm 2014 Đức vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nhất của Việt Nam nhờ hàng loạt các hiệp định quan trọng đã ký kết gồm Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các hiệp định hợp tác hàng hải, hàng không và nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Đức cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng vào Đức, buộc phải tuân thủ quy chuẩn của cả EU và của Đức. Tuy nhiên, so với luật chung của EU thì luật của Đức nghiêm ngặt hơn. Trong đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đến 3 tiêu chuẩn là chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội./

Hùng Cường
Nguồn: Báo Công thương