Xuất khẩu sang Mỹ năm 2008: Doanh nghiệp đừng sợ đồng USD mất giá!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng đang tạo thêm cơ hội để Việt Nam nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm nay. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2008 như gạo, cà phê, hồ tiêu, nhân điều, cao su… mặc dù chi phí tăng nhưng giá lại tăng cao nên doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lãi. Việt Nam nằm trong số các nước đứng đầu xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, nhân điều, cao su vào Mỹ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng ta là phải nâng cao chất lượng hàng hoá, khó khăn về kênh phân phối để mở rộng quy mô sản xuất. Hơn nữa nhiều khi có đơn đặt hàng với khối lượng lớn nhưng chúng ta lại không cung cấp được vì sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau…

Còn về hàng công nghiệp và gia công xuất khẩu theo dự báo sẽ rất khó khăn do USD mất giá làm giảm chi phí nhập thiết bị, phụ tùng, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, nhưng không bù nổi mức giá nguyên, nhiên, phụ liệu và chi phí vận chuyển. Hơn nữa việc mất giá USD cũng làm đơn giá xuất khẩu của Việt Nam đắt lên và lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu (khi quy đổi ra VNĐ) giảm.

PV: Ông dự đoán như thế nào về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm nay?

Ông Lê Xuân Dương: Về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chắc chắn vẫn tăng trưởng. Chỉ có điều trong năm nay mức tăng trưởng có thể không được như những năm trước. Bởi lẽ kinh tế Mỹ sụt giảm thì họ sẽ giảm tiêu dùng, hơn nữa khó khăn về mặt tỷ giá, giá cả tăng lên thì họ sẽ nhập khẩu ít đi.

PV: Hiện đã có thông tin gì về việc Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ giám sát hàng dệt may của Việt Nam, thưa ông?

Ông Lê Xuân Dương: Sau đợt rà soát thứ hai thì họ cũng công bố là hàng dệt may Việt Nam không có thông tin gì về bán phá giá cả. Hiện, hàng của chúng ta vẫn được bày bán cùng với hàng chất lượng cao của các nước khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đấu tranh để hàng Việt Nam có được sự đối xử công bằng như hàng của các nước khác.

PV: Như vậy nghĩa là hàng dệt may của Việt Nam đã có thể “an toàn” xuất khẩu sang Mỹ mà không sợ bị kiện bán phá giá?

Ông Lê Xuân Dương: Hiện nay họ vẫn đang theo dõi cho đến hết năm nay, đợt thứ 3 sẽ tiến hành vào cuối năm.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến lo ngại rằng xuất khẩu sang Hoa Kỳ thu được đồng USD nhưng khi quy đổi ra VND lại có giá trị thấp nên hiệu quả kinh doanh không cao?

Ông Lê Xuân Dương: Đó chỉ là ý nghĩ chủ quan. Mặc dù hiện nay đồng đô la vẫn chưa ổn định nhưng đừng nghĩ chỉ có đồng đô la mới có thể mất giá, biết đâu ngày mai đồng EURO cũng “khốn đốn”. Có thể nói nếu muốn “đánh quả” thì hãy tính ngắn hạn, còn nếu muốn làm ăn lâu dài thì không có gì phải lo ngại cả.

PV: Vậy theo ông, các biện pháp xúc tiến thương mại nào được coi là hữu hiệu tại Hoa Kỳ?

Ông Lê Xuân Dương: Khi tham gia xuất khẩu vào Hoa Kỳ các doanh nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch, chiến lược dài hạn. Chấp nhận làm hàng theo thương hiệu nước ngoài để tăng nhanh kim ngạch và nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường. Các doanh nghiệp nếu thấy sản phẩm của mình có tiềm năng tiêu thụ số lượng lớn tại Mỹ thì nên đầu tư xây dựng hệ thống đại lý phân phối. Hình thức này có một số khó khăn và tốn kém, nhưng là cách làm phù hợp với thị trường Mỹ, nếu làm tốt sẽ có hiệu quả cao. Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay Việt Nam có nhiều thương hiệu tốt có thể thâm nhập thị trường Hoa Kỳ như cá Basa, cà phê Trung Nguyên, Vinatea, Vinamilk, Vifon, Vegetexco… Các doanh nghiệp này nên thiết lập văn phòng kinh doanh tại thị trường Mỹ vì như vậy có thể cung cấp dịch vụ sau bán hàng – điều này rất quan trọng đối với thị trường Mỹ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử