Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đạt 5,5 tỷ USD
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong quý 3/2013, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,480 tỷ USD. Trong đó, riêng mặt hàng tôm tăng mạnh và liên tục từ quý II, do nguồn cung tôm thế giới giảm và giá tôm nhập khẩu tăng, còn các mặt hàng khác đều chững lại hoặc giảm.

Mặt hàng tôm vượt kế hoạch

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm là mảng sáng duy nhất trong bức tranh chung của thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu tôm đã góp phần quan trọng cho mức tăng trưởng dương của toàn ngành 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ giá xuất khẩu tăng trong bối cảnh nguồn cung giảm mạnh, xuất khẩu tôm quý 3 tăng trưởng từ 45,5% – 65,5% qua các tháng so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.

9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt trên 2 tỷ USD, ước tính 10 tháng sẽ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tiến độ này, dự kiến xuất khẩu tôm năm nay sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2012 và vượt kế hoạch đề ra (từ 2,4 – 2,5 tỷ USD).

Trong đó, tôm chân trắng ngày càng khẳng định vị thế với tỷ trọng khoảng 48,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm và tăng 168% trong tháng 10 đạt gần 200 triệu USD và tăng 95% trong 10 tháng đầu năm đạt 1,18 tỷ USD.

Năm 2013, sản lượng tôm toàn cầu đã giảm 15% so với mức cách đây 2 năm do hội chứng tôm chết sớm ở châu Á (EMS) và Mexico. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất, chế biến tôm lớn nhất thế giới là Thái Lan và Trung Quốc lại nằm ở trung tâm bùng nổ dịch bệnh. Điều này đã tạo cơ hội cho một số nguồn cung cấp lớn như Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam. Nhờ vậy, giá xuất khẩu tôm tăng từ 2 – 4 USD/kg tùy từng thị trường.

Giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam trong hầu hết các tháng đều tăng trưởng đến hai con số, từ 19 – 66% so với cùng kỳ 2012. Duy nhất tháng 2/2013, xuất khẩu tôm giảm 32,8% do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo phân tích của các chuyên gia, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính từ nay đến cuối năm sẽ thuận lợi. Đó là thị trường Mỹ nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam chiếm 26,3% cơ cấu xuất khẩu thủy sản, khá ổn định; mặt hàng tôm sú sẽ có lợi thế tại thị trường Nhật Bản, tôm chân trắng được ưa chuộng hơn tại EU do nhu cầu tiêu thụ mạnh vào cuối năm và giá cả phù hợp…

Trong khi xuất khẩu tôm có xu hướng tăng trong những tháng tới thì xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu thụ chưa hồi phục. xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm đạt 1,3 tỷ USD, giảm 1,4%, tháng 10 vẫn tiếp tục giảm trên 6%.

Dự kiến 10 tháng đạt 1,43 tỷ USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp đánh giá, xuất khẩu phi lê cá tra năm nay không ổn định, có đến 4 tháng sụt giảm từ 1,4 – 39,2% so với cùng kỳ. Trong đó, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu là Mỹ chỉ tăng nhẹ 2,2%, còn EU lại giảm đến 11,2% so với cùng kỳ.

7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ ổn định, nhưng từ tháng 8 đến 9/2013 đã bắt đầu chững lại. Tháng 9, xuất khẩu cá tra sang EU đã có chút hy vọng khi tăng nhẹ 3,4% so với cùng kỳ sau gần 1 năm sụt giảm liên tục.

Xuất khẩu hải sản liên tục sụt giảm

Xuất khẩu cá ngừ và các mặt hàng hải sản tiếp tục xu hướng giảm từ các quý trước. Trong 9 tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng hải sản xuất khẩu đều sụt giảm về giá trị, trong đó mực, bạch tuộc giảm mạnh nhất (17,2%) so với trong 3 năm trở lại đây.

Xuất khẩu cua, ghẹ giảm 12,3%, cá các loại giảm 5,7%, cá ngừ giảm 4,5%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 4% so với cùng kỳ. Nếu 9 tháng đầu năm ngoái, xuất khẩu hải sản (cá biển các loại và cá ngừ) đã bù đắp đáng kể cho cơ cấu xuất khẩu thủy sản khi tăng trưởng từ 24 – 51% so với cùng kỳ 2011, thì 9 tháng đầu năm nay, xu hướng này đã đảo ngược, khi hầu hết các thị trường xuất khẩu hải sản đều khó khăn về tiêu thụ.

Ngoài ra, nguồn nguyên liệu hải sản trong nước cũng không đáp ứng đủ cho các đơn hàng. Từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nhuyễn thể sẽ tiếp tục giảm thêm và là năm thứ 5 xuất khẩu mặt hàng này chìm dưới mức tăng trưởng âm. xuất khẩu cá ngừ tiếp tục giảm sâu với tốc độ trên 20% trong những tháng gần đây.

Với đà sụt giảm này, ước tính xuất khẩu cá ngừ năm nay đạt 540 triệu USD, giảm khoảng 5% so với năm ngoái.

Theo Vasep, xuất khẩu các mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ tiếp tục giảm trong tháng 10 và dự kiến đạt khoảng 133 triệu USD. Tuy nhiên, với hơn 600 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu sang 165 thị trường, cùng với đà tăng trưởng mạnh của các sản phẩm khác, dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2013 sẽ cán đích trên 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)