Xuất khẩu thủy sản khởi đầu thuận lợi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tôm được giá

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị XK thủy sản tháng 2 ước đạt 335 triệu USD, nâng giá trị XK 2 tháng đầu năm đạt 919 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ vẫn là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 26,67% tổng giá trị XK. Trong tháng 1, XK thủy sản sang thị trường này đạt 155,6 triệu USD, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2013. Không chỉ tăng kim ngạch XK sang Hoa Kỳ, thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc cũng tăng trưởng đáng kể với mức tăng tương ứng đạt 17,85%, 29,27% và 31,45%.

Tiếp nối đà XK của năm 2013, tôm vẫn là mặt hàng thủy sản có nhiều triển vọng trong năm 2014. Dịp đầu năm, mặt hàng tôm thuận lợi cả về thị trường cũng như giá cả. Giá tôm thương phẩm trên thị trường đang được giá theo tùy loại. Cụ thể như: Tôm thẻ chân trắng: Cỡ 60-70 con/kg có giá 130.000 -135.000 đồng/kg; tôm cỡ 100-110 con/kg có giá 105.000-110.000 đồng/kg. Tôm sú: Cỡ 40-50 con/kg được bán với giá từ 220.000- 240.000 đồng/kg, cỡ 60-70 con/kg: 180.000 – 190.000 đồng/kg.

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Năm nay, các nguồn cung tôm lớn trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan có thể phục hồi Hội chứng tôm chết sớm nhưng cũng khó đạt được mức độ như bình thường. Dự kiến, muốn phục hồi hoàn toàn các thị trường này phải mất thời gian khoảng 2 năm. Do đó, giá XK tôm có thể duy trì tốt tới hết nửa đầu năm 2014.

Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, kim ngạch XK thủy sản có thể đạt 6,9 tỉ USD, tăng 13% so với năm 2013. Trong đó, tôm XK đạt 3 tỉ USD; cá tra 1,6 tỉ USD và hải sản khoảng 2,2 tỉ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản tháng 2 ước đạt 2,08 tỷ USD, đưa giá  trị XK của ngành 2 tháng đầu năm 2014 lên 4,33 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,73 tỷ USD, giảm 20,5%; Giá trị XK thuỷ sản ước đạt 919 triệu USD, tăng 23,5%; Giá  trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 837 triệu USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Cá tra vẫn gặp khó

Không được khả quan như đối với mặt hàng tôm, dịp đầu năm, sản xuất cá tra 2 tháng đầu năm 2014 vẫn đang gặp phải hàng loạt các khó khăn như cung cầu không ổn định, chất lượng con giống giảm, giá thức ăn, thuốc… luôn tăng trong khi đầu ra lại bất ổn. Đặc biệt, giá cá tra nguyên liệu vẫn không tăng so với tháng trước. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Vĩnh Long: Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 2 vẫn dao động từ 22.500-23.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất dao động trong khoảng 23.000-24.000 đồng/kg. Người nuôi chưa có lãi, sản xuất không phát triển, nhiều ao tiếp tục bị “treo” do thua lỗ kéo dài. Một số hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ chuyển sang nuôi một số loại khác như cá lóc, thát lát…

VASEP cảnh báo: Trong năm 2014, XK thủy sản vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hải sản cho chế biến cùng với sự sụt giảm chất lượng nguyên liệu XK. Khi các thị trường NK ngày càng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về mặt chất lượng, thì điểm mấu chốt là cần kiểm soát chất lượng theo chuỗi thật tốt, từ con giống, thức ăn, tới sản phẩm chế biến XK các mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng tôm đang đóng vai trò chủ lực.

Liên quan tới vấn đề này, năm nay, Bộ NN&PTNT cũng chủ trương tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các mặt hàng thủy sản XK để đáp ứng yêu cầu ngày càng gắt gao của thị trường NK nhưng cũng không gây khó cho DN. Ngày 19-2-2014, Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp về Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT quy định kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản XK thay thế Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Quy định lấy mẫu thẩm tra theo lô hàng sẽ được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam để giảm bớt gánh nặng cho DN. Bộ NN&PTNT chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hệ thống phòng kiểm nghiệm, để các DN có thể  chủ động mang mẫu tới kiểm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, và Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) dựa vào đó để chứng nhận.

Uyển Như
Nguồn: Báo điện tử Hải quan