Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2009: Phấn đấu đạt mức 4.5 tỷ USD
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong đó xuất khẩu trong tháng 1 và tháng 3 giảm mạnh, chỉ có tháng 2 tăng hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu của các thị trường tiêu thụ đều giảm, khó khăn về nguồn nguyên liệu chế biến và quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm.

3 tháng đầu năm: Các thị trường đều giảm.

So với năm 2008, thủy sản Việt Nam chỉ xuất khẩu được qua 122 thị trường, giảm 37 thị trường và 65 loại sản phẩm khác nhau. Nhìn chung, tất cả các thị trường chính đều giảm, chỉ có Trung Quốc, Ôxtrâylia và Asean đạt tăng trưởng hai con số. Thêm vào đó, tỷ trọng hàng thủy sản xuất đi các thị trường truyền thống như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang liên tục giảm mạnh, trong đó thị trường Italia giảm tới trên 40% tiếp đến là Hà Lan gần 40% và Bỉ 33%. Riêng thị trường Mỹ không chỉ giảm về giá trị mà còn gặp trở ngại lớn về việc định nghĩa cá da trơn nên thời gian qua các doanh nghiệp đã phải gặp rất nhiều khó khăn khi xuất hàng qua đây. Đặc biệt, sự vắng bóng của thị trường Nga cũng là nguyên nhân làm giảm kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay.

Hiện tại, chiếm tỉ trọng cao nhất là cá ba sa, cá tra với 36% tổng sản lượng xuất khẩu thủy sản, trị giá 208.4 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp XK đạt cao nhất phải kể tới Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn với 6.979 tấn trị giá hơn 20 triệu USD và Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương với 11.116 tấn, trị giá trên 22 triệu USD. Tuy sản lượng và giá trị giảm nhẹ nhưng so với tốc độ tăng trưởng mạnh của năm 2008 (tăng trên 48% đạt 1.453 tỷ USD) thì đây là sự tụt dốc đáng lo ngại. Không chỉ vậy, tôm đông lạnh – mặt hàng được coi là chủ lực xuất khẩu trong các sản phẩm chính cũng đã tụt xuống vị trí thứ 2, sau cá ba sa và cá tra. Với giá trị XK đạt trên 181.2 triệu USD, giảm 7.3% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện chỉ tiêu thụ được ở 50 thị trường. Một số mặt hàng khác như bạch tuộc, mực và hàng khô cũng giảm gần 15% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu bất lợi cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2009 này.

Cần nhiều giải pháp cấp bách

Trước tình hình này, phía Vasep đã tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, cùng nhau ngồi lại và đưa ra một số giải pháp khắc phục như: Áp dụng các biện pháp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn đối với một số thị trường và doanh nghiệp để đảm bảo uy tín cho các công ty trung thực trong nước làm ăn. Vì hiện nay, trong số hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thì chỉ có 70 doanh nghiệp chế biến trong môi trường đảm bảo vệ sinh an toàn. Việc các doanh nghiệp của ta không tuân thủ theo nguyên tắc đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và hình ảnh của con cá tra trên thị trường quốc tế. Mới đây, thị trường Nga và Ai Cập bị dư luận lên tiếng cảnh báo là một minh chứng sâu sắc cho sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp này. Thêm vào đó, Vasep cũng yêu cầu các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm lại những khách hàng cũ, khách hàng tiềm năng để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa hình ảnh con cá da trơn của chúng ta tới họ. Đặc biệt với thị trường Nga, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ tích cực đàm phán để hàng thủy sản của ta sớm xuất trở lại.

Tuy nhiên với tình hình hiện nay, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch Vasep- nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng tới sẽ còn tiếp tục có những khó khăn hơn và giá trị cả năm 2009 cũng chỉ phấn đấu đạt mức 4.5 tỷ USD như năm ngoái.

Thùy Dương
Nguồn: Báo điện tử Công thương