Xuất khẩu vẫn gặp khó nhiều mặt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hoạt động xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu do sự đóng góp của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Không chỉ xuất khẩu tăng cao, mà tính chung 5 tháng đầu năm khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu 960 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2012 của cả nước tăng 8,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 7 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt thấp (tăng 8,4%), thể hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị tác động nhiều từ những khó khăn trong nước như tiếp cận tín dụng và lãi suất ngân hàng…

5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 5,3 tỷ  USD tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dù đã bước vào mùa cao điểm trong năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp dệt may vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, các đơn hàng có xu hướng giảm giá khi các thị trường xuất khẩu chủ lực là EU và Mỹ vẫn tồn nhiều sản phẩm quần áo Đông Xuân, các nhà phân phối không nhập thêm hàng.

Đối với sản phẩm cao su xuất khẩu, theo Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam Trần Thị Thúy Hoa, khó khăn do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp ảnh hưởng đáng kể đến giá trị xuất khẩu của toàn ngành trong 5 tháng qua. Xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm 2012 tăng hơn 40% về lượng nhưng giá giảm tới 30% nên tính chung kim ngạch xuất khẩu cao su chỉ tương đương cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do kinh tế thế giới suy giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhất là thị trường xuất khẩu chính như châu Âu giảm nhu cầu nhập khẩu do các ngành sản xuất ô tô, lốp xe giảm. Một thị trường xuất khẩu chính nữa là Trung Quốc tìm mọi cách để giá cao su không tăng quá cao, họ dự trữ và khi giá tăng thì bán ra để giá giảm. Thị trường xuất khẩu thu hẹp khiến giá cao su giảm.

Sắp tới, cao su thế giới bước vào vụ khai thác nên nguồn cung sẽ dồi dào. ởã trong nước, năm nay sản lượng cao su cũng tăng do diện tích trồng cao su được mở rộng. Ngành cao su đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2012 khoảng 880- 900 nghìn tấn với giá trị kim ngạch khoảng 2,7-3 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Nam Mỹ và phải tiếp tục tiết giảm chi phí trong sản xuất để có thể đạt lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh giá xuất khẩu giảm.

5 tháng qua, xuất khẩu hàng thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2011, với giá trị kim ngạch 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho rằng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp vẫn là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Về nguồn vốn thì doanh nghiệp có thể đàm phán với ngân hàng để có sự tháo gỡ dần. Vấn đề là thị trường đầu ra. Đặc biệt là việc thanh toán chậm khiến cho hoạt động khó khăn. Ví dụ trước đây doanh nghiệp nợ người nuôi một thời gian, phía nước ngoài trả nợ chậm thì cũng là bình thường. Nhưng bây giờ, khâu thanh toán từ nước ngoài đang trong quá trình chuyển về, còn ở Việt Nam việc mua bán với người nuôi thì doanh nghiệp phải trả tiền ngay, gây nên sự thiếu hụt nào đấy, cần có thời gian thu hồi và cân bằng lại nhu cầu vốn đó thì mới hợp lý được.

Năm 2012, ngành thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2011. Tuy nhiên, hiện chưa thể dự báo về khả năng tăng trưởng cho 7 tháng còn lại của năm, do tình hình thị trường xuất khẩu còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân