Xuất khẩu xi măng Việt đang bị “bê tông hóa" vì chính sách?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) Trần Việt Thắng, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng, cùng đó, tỷ giá ngoại tệ biến động… là những yếu tố khiến xuất khẩu xi măng gặp khó khăn. So sánh ngay với các nước trong khu vực hay với Trung Quốc thì xi măng Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh về giá, thậm chí cả nguồn cung của họ cũng rất dồi dào.

Chủ trương tăng xuất khẩu, chính sách làm giảm cạnh tranh

Điều đáng nói, cho dù tỷ trọng giữa xuất khẩu và tiêu thụ xi măng trong nước vẫn còn thấp nhưng xuất khẩu mặt hàng này lại đang phải gánh thêm sức ép mới từ… chính sách.

Kể từ ngày 1/7/2016, khi Nghị định số 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực, sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ  51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào 10%.

Hai tháng sau đó, Nghị định 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực tại phụ lục 1 mục 211 quy định: “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%”. Tuy pháp luật chưa quy định rõ thế nào là vật tư, thế nào là nguyên liêu, bán thành phẩm, và chưa có căn cứ pháp lý nào thể hiện xi măng thuộc nhóm trên nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành áp thuế 5% đối với xi măng xuất khẩu.

Ông Thắng phân tích: nếu chiếu theo quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP có nghĩa là mặt hàng xi măng khi tham gia xuất khẩu không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Như vậy, “chi phí xuất khẩu có thể tăng lên 4,5 USD cho một tấn clinker (theo giá FOB) bình quân 30 USD/tấn. Điều này đang khiến các DN sản xuất lo lắng bởi giá thành xuất khẩu sau khi áp thuế mới theo quy định sẽ tăng lên đáng kể, khiến xuất khẩu xi măng Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia”, ông Thắng cho biết.

Nguồn cung dư thừa sẽ “đông cứng” trong thị trường trong nước

Theo quy hoạch phát triển xi măng, ước tính tiêu thụ nội địa đến năm 2020 đạt 93 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng xi măng đến năm 2020 có thể lên tới 120 – 130 triệu tấn/năm. Như vậy sẽ dư thừa 25 – 35 triệu tấn xi măng.

Thực tế, năm 2016, tổng công suất 78 nhà máy xi măng đạt gần 87 triệu tấn, trong đó tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt 75,21 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Như vậy, thị trường xi măng cung vẫn vượt cầu 20%. Chưa kể, vẫn còn các dự án đang tiến hành đầu tư và dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tiếp tục nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 108 triệu tấn/năm.

Theo thống kê, Việt Nam có ngành sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á với 78 nhà máy xi măng, đạt tổng công suất gần 90 triệu tấn/năm nhưng lượng xuất khẩu thấp hơn nhiều so với Thái Lan.

Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm từ nhiều năm hoạt động cùng các tập đoàn lớn như SCG, Siam City Cemment Public Company Limited (SCCC)… và ưu thế về chất lượng, vận chuyển nhanh đang khiến nhiều đơn hàng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam rơi vào tay Thái Lan.

Đối với Trung Quốc, thị trường này đang dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng. Cho nên, dù giảm 8 – 13% giá bán nhưng giá của Việt Nam đưa ra vẫn cao hơn so với Trung Quốc. Dẫn tới, xi măng quốc gia này không chỉ cạnh tranh trực tiếp về giá với xi măng Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn đang manh nha cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Điều này cho thấy, ngành xi măng trong nước sẽ tắc thị trường tiêu thụ, không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay thị trường nội địa cũng đang có nguy cơ rơi vào tay các DN Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều thương vụ M&A trong ngành này đã diễn ra, nỗi lo ngày càng hiện hữu, nhất là khi Việt Nam đã tham gia chính thức vào Cộng đồng kinh tế Asean.

Mặc dù đã nhiều lần hứa hẹn giải quyết, nỗ lực đưa thuế xuất khẩu về 0% và hoàn thuế giá trị gia tăng 10% cho xi măng xuất khẩu nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía cơ quan chức năng trong khi ngày hạch toán thuế đang đến gần.

Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 14,7 triệu tấn xi măng và clinker, đạt giá trị 561 triệu USD. Tuy nhiên, so với năm 2015, lượng xuất khẩu xi măng và clinker giảm 7,1% về lượng và 16% về giá trị.

Song Nhi
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp