Xuất siêu: Chưa nên mừng vội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xuất khẩu vượt nhập khẩu: Mừng thành lo

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2009 của Việt Nam vẫn sụt giảm. Tuy nhiên, so với nhập khẩu có mức sụt giảm lớn hơn rất nhiều thì dù không có thành tích tăng trưởng nhưng bất ngờ chúng ta lại có “thành tích” xuất siêu. 

Như vậy, xuất siêu xuất phát chính từ việc nhập khẩu giảm chứ không phải do xuất khẩu tăng. Đây được xem là một đột biến bất thường hơn là một dấu hiệu tăng trưởng.

Theo các chuyên gia xuất khẩu, tăng trưởng bền vững là phải dựa trên sự gia tăng về khối lượng hàng hóa, mở rộng thị trường đi kèm điều kiện  tỷ giá so với ngoại tệ không đổi. Sự gia tăng đó, nếu tạo ra xuất siêu mới là sự đáng mừng và bền vững.

Trong danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì chỉ có 4 mặt hàng tăng, trong đó hai mặt hàng tăng đáng kể, còn gần 20 mặt hàng khác lại giảm. Tất cả các mặt hàng chủ lực như dầu khí, dệt may, thủy sản… đều giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN… đều giảm trên 20%. Hai mặt hàng tăng là lúa gạo tăng 113% và kim loại quý tăng hơn 3.000%.

Nếu xuất khẩu gạo tăng cao nhờ được giá và sự chuẩn bị nguồn hàng và điều hành tốt trong nước có thể tính dài hạn thì xuất khẩu kim loại quý, mà chủ yếu là tái xuất vàng, là yếu tố mang tính chất bất ngờ và rất khó lặp lại.

Nếu loại trừ phần xuất khẩu vàng ra khỏi kim ngạch xuất khẩu của cả nước thì trong hai tháng đầu năm nay, nước ta sẽ nhập siêu tới 617 triệu USD, chứ không phải xuất siêu 300 triệu USD như đã công bố.

Vì thế, xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu và tình trạng xuất siêu lúc này không có gì đáng mừng. Và nếu kéo dài thì năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế lại có vấn đề.

Nhập khẩu giảm lại đáng lo?

Kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2009 đạt  7,73 tỷ USD, giảm tới 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu của tất cả các mặt hàng chủ lực đều giảm. Nhập khẩu từ những đối tác lớn như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan… đều giảm mạnh, khoảng trên dưới 40%. 

Trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam có tới 70% là nguyên liệu và máy móc. Phần lớn các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ đều có tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu đến 60-70%.

Các thị trường Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan… vốn là thị trường mà chúng ta nhập siêu rất lớn. Như với Trung Quốc, chúng ta nhập siêu gần 9 tỷ USD, mà chủ yếu là nhập nguyên liệu, máy móc, gia công sản xuất  để xuất siêu sang châu Âu – Mỹ.

Vì thế, nhập khẩu giảm mạnh cũng có nghĩa là đầu tư xây dựng và sản xuất gia công cho xuất khẩu bị giảm. Xét về dài hạn thì năng lực của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng do chúng ta không duy trì được sự đầu tư liên tục cho sản xuất. Đây chính là điều đáng được cảnh báo.

Trên một góc độ khác, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam là nước nhập khẩu để gia công, để đầu tư năng lực cho nền kinh tế thì trong lúc giá cả nguyên liệu, máy móc, công nghệ trên thế giới đang suy giảm thì lại chính là cơ hội để nhập khẩu.

Nếu có lực và cái nhìn dài hạn, chúng ta hoàn toàn có thể trữ dầu để chờ ngày giá lên, nhập nguyên liệu để dành cho những hợp đồng về sau và thậm chí là tái xuất kiếm lãi như vàng. Hơn thế, nhập khẩu công nghệ vào thời điểm này cũng rẻ hơn, là cơ hội cho DN phát triển năng lực cạnh tranh về dài hạn.

Vì thế, tranh thủ nhập khẩu lúc này là một nước đi hay và nếu có nhập siêu vì lý do này thì cũng không có gì đáng ngại.

Cán cân xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2009

Trong tháng 2/2009, Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với tháng 1/2009. Tính chung hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 8 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cao su, dầu thô, dây và cáp điện… đã giảm mạnh về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do sự giảm giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới và sự thu hẹp thị trường do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN… đều giảm trên 20%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2/2009 ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 32,2% so với tháng 1/2009, nhưng tính chung cả 2 tháng chỉ đạt 7,73 tỷ USD, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lo là, giá trị nhập khẩu của tất cả các mặt hàng chủ lực đều giảm, thậm chí nhập khẩu thép giảm tới 74,2%, ô tô giảm 60,6%, giấy các loại giảm 32%, phân bón giảm 22,3%…

  • Phước Hà