Xúc tiến xuất khẩu thời khó khăn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhân sự kiện này, TBKTSG Online đã trao đổi cùng ông Đinh Công Tuấn, Tổng giám đốc điều hành Gophatdat.com và đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), xung quanh công tác xúc tiến xuất khẩu qua thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

– Thưa ông, nhiều doanh nghiệp nhạy bén với cái mới đã cho rằng kinh tế khó khăn hiện nay là cơ hội cho thương mại điện tử phát huy sức mạnh, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vốn quen truyền thống “mặt đối mặt” trong kinh doanh lâu nay, liệu có dễ dàng chấp nhận cái mới?

– Ông Đinh Công Tuấn: Thực tế khó khăn hiện nay thì ai cũng cảm nhận được, khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu đã tác động xấu tới xuất khẩu của Việt Nam trên nhiều mặt, từ giá cả, sản lượng, đối tác… Nhiều mặt hàng trước đây Việt Nam xuất khẩu sang cả trăm quốc gia và vùng lãnh thổ thì nay giảm còn một nửa, kim ngạch cũng giảm theo. Thị trường thì thu hẹp dần, doanh nghiệp thì mất dần đối tác.

Cái khó nhất trong xúc tiến xuất khẩu hiện nay của doanh nghiệp là làm sao giữ được thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm thêm thị trường mới, khách hàng mới.

Trước kia, khi kinh tế phát triển, doanh nghiệp rủng rẻng tiền bạc thì từ doanh nghiệp quy mô vừa trở lên trong lĩnh vực xuất khẩu đều có dành khoản kinh phí cho công tác xúc tiến, thậm chí có doanh nghiệp bỏ ra chi phí khá lớn, hàng trăm ngàn đô la Mỹ để dự các hội chợ quốc tế trong khu vực, EU, Mỹ. Nay kinh tế khó khăn, hầu bao của doanh nghiệp eo hẹp thì việc dành ra kinh phí lớn để kéo nhau ra nước ngoài dự hội chợ, gặp gỡ khách hàng ít dần, thậm chí có doanh nghiệp cắt bỏ khoản chi này.

Nói gì thì nói chứ văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp chúng ta từ trước tới giờ vẫn là mặt đối mặt hoặc ở trong nước, hoặc ở nước ngoài để đặt niềm tin qua các lần gặp gỡ trao đổi rồi mới thương thảo làm ăn. Nay kinh tế khó khăn, không dễ gì khách hàng nước ngoài qua tận văn phòng của doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng như trước, rồi doanh nghiệp trong nước, không dễ gì có điều kiện kinh phí để ra nước ngoài gặp khách hàng.

– Vậy ý ông, thời buổi bây giờ là cơ hội lớn để thương mại điện tử lên ngôi?

– Khó khăn của nền kinh tế thế giới lẫn trong nước hiện nay là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm các công cụ xúc tiến mới, có hiệu quả nhưng chi phí thấp; trong đó có thương mại điện tử. Kinh phí xúc tiến xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử, thường rẻ hơn rất nhiều so với các kênh xúc tiến truyền thống là hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường nước ngoài.

Một doanh nghiệp gỗ của Việt Nam, nếu tham gia 2 – 3 hội chợ đồ gỗ lớn ở Mỹ hay Đức hàng năm thì kinh phí bỏ ra hàng chục tới hàng trăm ngàn đô la Mỹ, từ khâu đưa hàng sang tham gia, trả phí thuê gian hàng, thuê mướn giàn dựng, chi phí vé máy bay ăn ở khách sạn cả tuần hoặc hơn ở nước ngoài.

Tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu được xem là quy mô lớn của Việt Nam nhưng với thế giới là quy mô vừa, như hội chợ đồ gỗ EXPO đồ gỗ vào tháng 10 hàng năm, thì doanh nghiệp phải chi ra ít nhất 600 đô la Mỹ/lần dự hội chợ, còn đa phần 3.000 – 5.000 đô la Mỹ cho thuê gian hàng, giàn dựng và nhiều kinh phí khác cho một doanh nghiệp tham gia các hội chợ lớn trong nước tính cả năm. Nhiều doanh nghiệp bỏ ra kinh phí xúc tiến “sân nhà” còn lớn hơn nhiều.

Hay nói khác hơn, xúc tiến thương mại truyền thống thì kinh phí cao nhưng không gian và thời gian cũng hạn chế vì mỗi năm chỉ được vài đợt. Trong khi thương mại điện tử giải quyết được những vấn đề đó dù còn hơi mới mẻ với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Chẳng hạn kinh phí thì thương mại điện tử khá rẻ. Chẳng hạn doanh nghiệp tham gia xúc tiến trên sàn Gophatdat.com, có nghĩa doanh nghiệp có một gian hàng trên sàn và luôn được cập nhật nhưng giá chỉ có 588 đô la Mỹ/năm, lại không giới hạn về không gian và thời gian vì ở nước nào khách hàng cũng có thể tìm tới gian hàng của doanh nghiệp tham gia, thời gian thì bất cứ lúc nào, 24/24, bởi nó qua công cụ internet.

– Nhưng trên thực tế thì sao?

– Tôi quan sát qua hội chợ EXPO đồ gỗ trên mạng tổ chức song hành với Expo 2008, rồi đợt triển lãm hồ tiêu trên mạng song hành với hội nghị hồ tiêu quốc tế tại TPHCM vào năm ngoái và bây giờ là triển lãm trên mạng của các doanh nghiệp tham gia hội thảo triển vọng ngành hàng nông nghiệp Việt Nam 2009, tôi thấy thói quen trong xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều.

Còn trong nước thì hiện cũng có khá nhiều sàn thương mại điện tử đang hoạt động, cũng hỗ trợ khá nhiều cho công tác xúc tiến của doanh nghiệp.

– Nhiều hợp đồng xuất khẩu gỗ đã được ký kết trong EXPO 2008, rồi gần đây là xúc tiến xuất khẩu nông sản sang Philippines của các doanh nghiệp trong nước thông qua sàn Gpphatdat.com do ông quản lý. Ông có thể cho biết sơ qua cách thức hoạt động của một sàn thương mại điện tử?

– Hiện tại chúng tôi có hai trang web phục vụ cho hai mục đích. www.gophatdat.com là sàn giao dịch, nơi người mua nói chuyện với người bán, còn www.tradeshow.com.vn dành cho triển lãm trực tuyến. Sàn chúng tôi hoạt động gần ba năm qua, bây giờ có 40.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký làm thành viên, nhiều nhất là các doanh nghiệp gỗ, thủ công mỹ nghệ, nông thủy sản.

Khách hàng nước ngoài thì được 500 nhà mua hàng với nhu cầu mua khoảng 800 triệu đô la Mỹ/năm và trong thời gian qua, chúng tôi kết nối được hợp đồng mua bán còn khiêm tốn, 20 triệu đô la Mỹ. Ngoài giao dịch trực tuyến, chúng tôi còn tổ chức offline (gặp nhau) cho các nhà mua và bán gặp nhau trực tiếp như xúc tiến xuất khẩu truyền thống.

– Xin cám ơn ông!

HỒNG VĂN thực hiện
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online