Xứng đáng "là lực lượng nòng cốt" trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp kỷ niệm 46 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2021), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân sẽ tập trung thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng “là lực lượng nòng cốt” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; quán triệt và nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta khẳng định, bổ sung, phát triển tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc

– Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung phát triển nội dung nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều này đặt ra yêu cầu như thế nào đối với Bộ Quốc phòng và Quân đội trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

– Những bổ sung, phát triển mới về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục góp phần phát triển, hoàn thiện đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng ta; đó là cơ sở, kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây cũng là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; là sự kế thừa kinh nghiệm quý báu, phương thức giữ nước đặc sắc của dân tộc và được bổ sung, phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới.

<img alt="" src="” width=”750px” />
Ảnh: Giang Huy

Những nội dung bổ sung, phát triển của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu mới và cao hơn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng đặt ra và đòi hỏi Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân phải tập trung nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trọng tâm là nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân đội do Đại hội XIII của Đảng đề ra. Thường xuyên chú trọng tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân – dân, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, trong đó, có quan điểm, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nâng cao hiệu quả phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xứng đáng “là lực lượng nòng cốt” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tích cực tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế về quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” để đối ngoại quốc phòng thực sự trở thành một trụ cột trong sự nghiệp đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện kế sách “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

– Trên cơ sở các yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta xác định tại Đại hội XIII, trong nhiệm kỳ này, Bộ Quốc phòng sẽ tập trung triển khai thực hiện cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

– Bộ Quốc phòng sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, thường xuyên chủ động nắm bắt, dự báo đúng tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xử lý thắng lợi các tình huống quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và các chiến lược quốc phòng chuyên ngành khác.

Hai là, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Luôn chủ động nắm chắc tình hình để có phương án ứng phó, ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án tác chiến, kế hoạch phòng thủ trên phạm vi cả nước, từng hướng chiến lược phù hợp với sự phát triển của tình hình. Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Ba là, thực hiện tốt chức năng “Đội quân chiến đấu”, “Đội quân công tác”, “Đội quân lao động sản xuất”; phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố môi trường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, coi đó là “nhiệm vụ chiến đấu” trong thời bình;… Nỗ lực phấn đấu thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, khai thác, quản lý, sử dụng, sản xuất, cải tiến nâng cao chất lượng các loại vũ khí trang bị hiện có và khai thác sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị mới. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng hiện đại, chuẩn hóa và chuyên sâu.

Bốn là, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, có trình độ khoa học công nghệ cao; đủ năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sửa chữa cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, phương tiện, trang bị; là bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Triển khai công tác đối ngoại quốc phòng thực chất, hiệu quả, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước.

Năm là, thường xuyên coi trọng xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh; tăng cường giáo dục, rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng trung thành, bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”. Xây dựng, phát huy vai trò của cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị; quan tâm chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cán bộ cấp chiến lược, chiến dịch; thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác kiểm tra giám sát, không để các thế lực thù địch cài cắm móc nối, phá hoại.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quân sự, quốc phòng

– Tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng là một trong những đột phá về tư duy và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng. Nhìn ở góc độ thể chế, pháp luật, theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đã có đủ hệ thống pháp luật tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ này hay chưa?

Trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu, xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều luật, nghị quyết về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, như: Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc… Đến nay, hệ thống văn bản, pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng cơ bản đồng bộ, thống nhất.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn cuộc sống, một số văn bản pháp luật hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn tình trạng văn bản quy phạm pháp luật được duy trì ở hình thức pháp lệnh, nghị định kéo dài, chậm được sửa đổi, bổ sung nâng lên thành luật, việc tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập. Đặc biệt, một số nhiệm vụ của Quân đội chưa được luật hóa, như Quân đội tham gia phòng chống khủng bố, phòng chống bạo loạn, tác chiến không gian mạng, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu…; vì thế, khi có tình huống xảy ra, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá…

Do vậy, thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, ban hành một số luật, văn bản pháp luật, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, như: Động viên công nghiệp, Công nghiệp quốc phòng, Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Phòng thủ dân sự, Biên giới quốc gia, Tác chiến không gian mạng, Phòng không nhân dân, Chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, Đối ngoại quốc phòng,…

 Để Quân đội ta tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ trưởng có có đề xuất gì với Quốc hội?

Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội khi xem xét, thông qua các dự án luật cần chú trọng việc bảo đảm các yêu cầu về xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với các dự án luật do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội trong nhiệm kỳ tới, nhằm tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Quan tâm củng cố tiềm lực quân sự, quốc phòng; tăng cường hoạt động giám sát và thi hành pháp luật nói chung, pháp luật về quân sự, quốc phòng nói riêng để Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

– Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!