Xây dựng Luật đăng ký bất động sản: Sẽ loại bỏ sự "cát cứ" về lĩnh vực bất động sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Tùng, hiện nay pháp luật về đăng ký bất động sản chưa đồng bộ, còn thiếu một số quy định cần thiết về quy trình đăng ký, đăng ký quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề theo thoả thuận và một số giao dịch khác… Việc quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản hiện nay còn phân tán do pháp luật quy định các Bộ chức năng quản lý về đất đai, xây dựng, lâm nghiệp thực hiện quản lý luôn việc đăng ký từng loại bất động sản trong lĩnh vực đó, ông Tùng nói.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hằng, Cục quốc gia giao dịch bảo đảm cho rằng việc phân tán đăng ký bất động sản thể hiện ngay trong vấn đề thẩm quyền. Cụ thể, tương ứng với mỗi loại tài sản thì có một cơ quan đăng ký. Theo đó, trên cùng một địa giới hành chính (tỉnh, thành phố…), các bất động sản lại có thể thuộc thẩm quyền đăng ký của nhiều cơ quan khác nhau. Việc phân tán còn thể hiện ở tư cách chủ thể của người có quyền sở hữu bất động sản, quyền sử dụng đất. Cùng một thửa đất nhưng nếu chủ sử dụng là tổ chức thì việc đăng ký bất động sản đối với thửa đất đó phải được thực hiện tại cơ quan cấp tỉnh. Sau đó, nếu chuyển quyền sử dụng cho cá nhân, hộ gia đình thì việc đăng ký bất động sản đối với thửa đất đó lại được thực hiện ở cơ quan cấp huyện. Do đó, nếu mỗi bất động sản chỉ có một bộ hồ sơ duy nhất thì mỗi khi chuyển giao thẩm quyền đăng ký sẽ phải chuyển giao cả hồ sơ pháp lý của bất động sản… Mặt khác, theo bà Hằng thì mô hình cơ quan đăng ký hiện nay chưa thể hiện được chủ trương cải cách hành chính, chưa tách biệt hoàn toàn chức năng đăng ký là hoạt động dịch vụ công với chức năng quản lý nhà nước. Việc đăng ký bất động sản có xu hướng bị hành chính hoá. Theo đó, việc xác lập quyền, lợi ích hợp pháp đối với bất động sản từ các quan hệ dân sự, kinh tế bị phụ thuộc vào ý chí của cơ quan đăng ký nhiều hơn là căn cứ luật định.

Từ thực trạng của đăng ký bất động sản hiện nay, một số ý kiến cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống cơ quan đăng ký tập trung, thống nhất. Việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu tài sản… được thực hiện thống nhất tại một cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan này có trách nhiệm ghi nhận về chế độ pháp lý của bất động sản trên cơ sở tách biệt với hoạt động đăng ký mang tính kỹ thuật liên quan đến bất động sản đó.

ông Vũ Mạnh Cường, Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, ngoài thống nhất một cơ quan đăng ký bất động sản, chúng ta cũng nên quy định về tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về bất động sản (cơ quan quản lý nhà ở, đất ở, tài sản gắn liền với đất). Từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu điện tử về nhà ở, công trình xây dựng để phục vụ kịp người dân trong việc khai thác thông tin, góp phần minh bạch các giao dịch, ông Cường nói.

Việt Nam “đội sổ” về chỉ số minh bạch của thị trường bất động sản

Bà Nguyễn Thuý Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho biết: Thị trường bất động sản ngày càng phát triển nhưng Nhà nước chưa kiểm soát được các diễn biến của thị trường và tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định. Các giao dịch “ngầm” về bất động sản vẫn diễn ra khiến thị trường này không có sự minh bạch. Điều này cũng phù hợp đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về tính minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam. Việt Nam có chỉ số minh bạch thị trường bất động sản thấp nhất khu vực châu á – Thái Bình Dương (15/15) và trên thế giới là 56/56 các quốc gia được khảo sát (Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Jones Lang Salle – Tập đoàn hàng đầu về bất động sản).

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử