Xây dựng Luật Trọng tài Thương mại 2010: Bước tiến lớn trong quá trình hoàn thiện môi trường kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lần đầu tiên, một tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp (Hội Luật gia Việt Nam) chủ trì xây dựng một Dự án luật và đã thành công tốt đẹp. Tại phiên họp ngày 17/6/2010, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII, Quốc hội đã nhất trí biểu quyết thông qua Dự án Luật TTTM với số đại biểu đồng ý 423/430 (85,8%). Đây được coi là một thành công lớn mà Hội Luật gia Việt Nam đạt được trong quá trình hơn 55 năm xây dựng và phát triển Hội.

Tham dự lễ tổng kết có Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh, Trưởng Ban soạn thảo; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam GS.TS Lê Minh Tâm; GS. TSKH Đào Trí úc – nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, tổ trưởng tổ biên tập; Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ – Uỷ viên Ban soạn thảo; Nguyên phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lưu Văn Đạt; Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Nguyễn Minh Chí; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Phạm Quý Tỵ; Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phạm Hồng Hải…, cùng đại diện thành viên tổ biên tập, Ban thường vụ Hội Luật gia Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, VCCI.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho biết: Trong quá trình xây dựng Luật TTTM, Hội Luật gia Việt Nam với sự giúp đỡ và hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành và nhiều tổ chức quốc tế đã tổ chức được 9 cuộc hội thảo trên cả 3 miền. Hội tổ chức đi khảo sát Luật Trọng tài tại một số nước: Vương quốc Anh, Singgapor, đồng thời tổ chức trên 30 cuộc toạ đàm và làm việc nhóm để hoàn thiện Dự án Luật TTTM. Theo Chủ tịch Phạm Quốc Anh, việc xây dựng Luật TTTM đã khó, nhưng việc đưa luật vào cuộc sống chắc chắn còn nhiều khó khăn hơn. Trong thời gian tới, cần sớm xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TTTM 2010; Sớm hình thành 1 số tổ chức như hiệp hội trọng tài, Trung tâm trọng tài…; Để đưa Luật TTTM vào cuộc sống, ngoài công tác tuyên truyền pháp luật, sự hậu thuẫn của TANDTC, VKSNDTC, Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan ban ngành là cực kỳ quan trọng và cần thiết.

Phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phạm Quý Tỵ đánh giá cao về Luật TTTM 2010. Theo đó, Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động trọng tài trong nước phát triển. ông Tỵ hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều vụ việc được đưa ra Trung tâm trọng tài giải quyết.

Theo ghi nhận của PV ĐS &PL tại hội nghị, hầu hết các ý kiến cho rằng Luật TTTM vào cuộc sống sẽ mở ra một trang sử mới cho hoạt động tài phán bằng con đường trọng tài của nước ta. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tranh chấp giữa các doanh nghiệp, thương nhân ngày càng phát sinh nhiều. Hy vọng trong thời gian tới, các Trung tâm trọng tài sẽ là cơ quan tài phán tin cậy của doanh nghiệp, để giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng trong buổi lễ này, Hội Luật gia Việt Nam đã tặng 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội năm 2009- 2010; và tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Hội Luật gia Việt Nam” cho 12 cá nhân đã có đóng góp trong sự nghiệp phát triển Hội Luật gia Việt Nam.

Thiên Long

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử