Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh: Không phải chuyện riêng của doanh nghiệp!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật nhiều, thực thi… có hạn

Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh thị trường không bị bóp méo, WTO đã có nhiều hiệp định để chống sự can thiệp phi thị trường của các cơ quan chính phủ như: Hiệp định Chống trợ cấp mà điển hình là vụ trợ cấp kiện nhau giữa 2 hãng máy bay nổi tiếng như Airbus và Boeing diễn ra cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Thông qua cạnh tranh làm cho giá cả hàng hóa giảm. Nhưng việc giảm giá thái quá để chiếm lĩnh thị trường lại là hành vi không lành mạnh. WTO đã coi hành vi này là phá giá thị trường và đã có Hiệp định Chống bán phá giá. Ngoài ra, WTO còn có Hiệp định Tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất khi ngành hàng nào đó bị đe dọa nghiêm trọng.

Trên thế giới hiện nay đã có trên 120 nước và vùng lãnh thổ có Luật Cạnh tranh. Một trong những điều khoản phổ biến mà các nước quan tâm là thị phần “market share”. Căn cứ vào tình hình sản xuất và tiêu thụ ở trong nước để quy định mỗi doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp tham gia vào thị trường được bao nhiêu % thị phần. Có nước quy định mức giày dép nhập khẩu vào không quá 3 – 5%, có nước cho phép mức này cao hơn. Hiện nay, EU đang xem xét thị phần của các nhóm hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Nếu nhóm nào có thị phần đạt 17,5% thì coi mặt hàng đó có đủ năng lực cạnh tranh và không được hưởng thuế GSP. Ở Việt Nam, theo Luật Cạnh tranh, “market share” cho phép tới 30%. Chúng ta cũng có pháp lệnh chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại và Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy các nước và các tổ chức quốc tế đã có luật và hiệp định để hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh, nhưng thực tế, việc cạnh tranh ngày càng diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi hơn. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế diễn ra khá phổ biến. Nhóm G20 cũng đã lên án các “Thiên đường thuế” ở các quốc đảo. Hiện tượng chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI dưới các dạng nâng cao giá trị tài sản góp vốn,

mua, bán nguyên vật liệu với công ty mẹ, phí dịch vụ, phí bản quyền, phí cung cấp kỹ thuật, phí cho vay, phí bảo lãnh, phí quảng cáo, mức lương trả và qua các nhà thầu. Thậm chí có doanh nghiệp đầu tư cả chục năm nay luôn mở rộng sản xuất mà vẫn khai lỗ không đóng thuế.

Ở Việt Nam, ngoài tình trạng chung; việc sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày một gia tăng. Năm 2012, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 13.101 vụ vi phạm có liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hiện tượng lạm dụng các quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước và xây dựng các rào cản kỹ thuật đang tăng làm méo mó thị trường. Do nhân công Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nước khác nên hàng hóa sản xuất ra có cạnh tranh hơn. Đến nay, Việt Nam đã bị 65 vụ kiện phần lớn từ các nước phát triển; trong đó có 39 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp, 12 vụ kiện tự vệ thương mại và 10 vụ kiện khác. Đa số các vụ kiện này do chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên họ lấy giá của nước thứ 3 so sánh gây bất lợi cho ta.

Để xây dựng môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp cần chủ động đưa ra chiến lược phát triển thị trường, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đăng ký ở những nước mà doanh nghiệp định xuất khẩu sản phẩm trước mắt cũng như lâu dài.

Cần làm gì?

Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn chỉnh nền kinh tế thị trường và tiếp tục đàm phán để các nước công nhận. Đến nay, Việt Nam đã được 37 nước công nhận là nền kinh tế thị trường và tiếp tục đàm phán trong Hiệp định Mậu dịch tự do với EU và Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ để EU và Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, phải nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản pháp luật, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, cụ thể nghiên cứu để sửa Luật Chống đánh thuế 2 lần sao cho vẫn thu được thuế của các nhà đầu tư và tránh những hiện tượng chuyển giá. Đối với thị trường trong nước, từng bước giảm các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh áp dụng thuế khoán; nghiên cứu phân loại các mặt hàng bán ở bất cứ cửa hàng nào cũng phải có xuất xứ để tránh hàng giả, hàng nhái và hàng buôn lậu… Tăng cường năng lực kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh bán phá giá, làm hàng giả, hàng nhái, chuyển giá và chuyển thuế.

Mặt khác, tăng cường năng lực của của các hiệp hội, ngành hàng để phát hiện và kiểm tra, kiến nghị với các cơ quan quản lý các biện pháp phù hợp bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc kiện các doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá, trợ cấp và tự vệ thương mại phải bắt đầu từ các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng làm đơn gửi cơ quan quản lý cạnh tranh nên các doanh nghiệp cần có chuyên gia pháp lý am hiểu về luật pháp, nghiên cứu sâu về giá cả hàng hóa để có cơ sở pháp lý kiện các đối tác bán phá giá và trợ cấp, nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Lâu nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá vào Việt Nam nhưng chúng ta chưa kiện được một vụ nào vì chưa có đội ngũ chuyên gia và luật sư giỏi trong lĩnh vực này để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.

Lương Văn Tự
Nguồn: Báo điện tử Công thương