Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Ý thức bảo vệ chưa cao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Theo ông, đâu là lĩnh vực mà người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi nhiều nhất ?

Thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua cho thấy, các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ xảy ra ở một lĩnh vực nào mà diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các lĩnh vực mà người tiêu dùng bị xâm phạm nhiều nhất bao gồm :

Vi phạm trong lĩnh vực đo lường. đây là lĩnh vực vi phạm rất phổ biến mà các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã phản ánh như gian lận trong kinh doanh xăng dầu, gian lận trong kinh doanh hàng hóa là thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày…

Vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm như hàng hóa có các chất bảo quản độc hại, hàng hóa có dư lượng kháng sinh cao, hàng hóa có các chất phụ gia không đảm bảo…

Vi phạm trong lĩnh vực chất lượng như hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn…

– Trước khi có Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong các luật khác cũng đã có những chế tài  để đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Vậy nguyên nhân theo ông vì sao ?

Theo tôi xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý thức bảo vệ người tiêu dùng của DN còn hạn chế. Trong nhiều trường hợp DN không nhận thức được đầy đủ các quy định của pháp luật và do đó đã không thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình đối với người tiêu dùng mà pháp luật đã quy định. Cũng có trường hợp DN vì mục tiêu lợi nhuận mà cố tình thực hiện các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm pháp luật.

Thứ hai, hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước chưa thực sự có hiệu quả. Điều này xuất phát từ sự hạn chế về nguồn lực, phương tiện cũng như cơ chế hoạt động của các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời cũng như chưa triệt để.

Thứ ba, hoạt động của các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng cũng như sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế. 

Thứ tư, ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng chưa cao. Người tiêu dùng VN chưa tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như kiến thức tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ. Bên cạnh đó, xuất phát từ tâm lý e ngại, tránh phiền toái mà người tiêu dùng dễ bỏ qua các hành vi vi phạm quyền lợi của mình thay vì lên tiếng hoặc phản ánh đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.

– Đơn cử như ngành điện, dù là mặt hàng thiết yếu nhưng việc mất điện, cắt điện không báo trước diễn ra thường xuyên. Theo ông, với lĩnh vực này với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được giải quyết như thế nào ?

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không tiếp cận vấn đề theo hướng điều chỉnh các hoạt động kinh doanh cụ thể ở một lĩnh vực nào đó mà chủ yếu là thiết lập một hành lang pháp lý chung để điều chỉnh các hoạt động của DN đối với người tiêu dùng cũng như tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình. Ngành điện ngoài các quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động mua bán điện còn được điều chỉnh bởi Luật điện lực trong đó quy định rõ trong trường bên bán điện vi phạm hợp đồng hoặc gây thiệt hại cho bên mua điện thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

– Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, 55%  người tiêu dùng không biết mình có quyền gì. Trong khi đó, có tới tám quyền của người tiêu dùng. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của chính người tiêu dùng trong việc thực thi luật ?

Tôi cho rằng, người tiêu dùng có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2010, Tổ chức người tiêu dùng quốc tế (CI) đã đưa ra chủ đề hành động để bảo vệ người tiêu dùng trong năm đó là: “Tiền của chúng ta, Quyền của chúng ta”. Chủ đề này cho thấy, người tiêu dùng cần phải nhận thức đúng vai trò, vị trí của mình để có thể lựa chọn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ phù hợp cho mình cũng như có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi xâm phạm.

– Ngày 1/7/2011, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực, các chế tài được coi là điều kiện cần nhưng theo ông cần những nhân tố gì để bảo đảm điều kiện đủ ?

Việc ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự là một dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, như trên tôi đã nói ở trên, để làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cần có sự nỗ lực chung của các cơ quan nhà nước, cộng đồng DN, các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và của chính người tiêu dùng. Hay nói cách khác, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thì việc thực thi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới có hiệu quả và bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

– Xin cảm ơn ông !

Phan Nam thực hiện
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp