Quy hoạch tỉnh Hải Dương phải có tầm nhìn dài hạn, trọng tâm là giai đoạn 2021 – 2030
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là khẳng định của ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về phương án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại cuộc làm việc, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã yêu cầu các địa phương cần tập trung, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác lập, điều chỉnh quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Công tác lập quy hoạch cũng không vì chạy theo tiến độ mà không bảo đảm chất lượng; phải bảo đảm yêu cầu, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển từng giai đoạn và có tính khả thi, trong đó trọng tâm là quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Tư vấn Roland Berger phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và chiến lược, triết lý phát triển của Hải Dương để làm rõ những tiềm năng riêng có, năng lực cạnh tranh nổi trội, tạo ra những giá trị khác biệt; bám sát quy hoạch vùng và tham khảo quy hoạch của các địa phương lân cận để có căn cứ đầy đủ, quy hoạch đồng bộ.

Đơn vị cũng phải thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, điểm nghẽn, cơ hội, thách thức và khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Quy hoạch phải định hình, cụ thể hóa các mục tiêu đến năm 2025, năm 2030 và đến năm 2050. Quy hoạch cần phân các vùng phát triển của Hải Dương nhỏ hơn để phát huy các tiềm năng, lợi thế đặc thù; bổ sung thêm trục phát triển Bắc-Nam theo sông Thái Bình.

Hạ tầng đô thị Hải Dương. Ảnh: Thành Chung
Hạ tầng đô thị Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

“Việc phát triển kinh tế, xã hội phải cần có quy hoạch và việc hoàn thành quy hoạch sớm sẽ giúp Hải Dương sớm hiện thực hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống. Việc làm quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tính tổng thể, toàn diện, bao quát, liên thông, có tính định hướng dài hạn”, ông Thăng khẳng định.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đã xác định trọng tâm, trọng điểm phát triển của Tỉnh là phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp là nền tảng phát triển bền vững, trong đó coi trọng giá trị sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn Hải Dương phát triển theo hướng bền vững, môi trường trong lành. Bổ sung các loại hình dịch vụ mới, còn hạn chế như khám chữa bệnh, lưu trú… để phục vụ đời sống người dân và công nhân trong các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, phát triển các đô thị trung tâm có tính chất lan tỏa, đô thị dịch vụ phục vụ công nghiệp, đô thị sinh thái bám sát các dòng sông, các vùng sản xuất nông nghiệp và đô thị nông thôn. Bổ sung quy hoạch các tuyến đường mới, các cảng nội địa và làm rõ hơn, phát huy lợi thế giao thông đường thủy nội địa…

Trước đó, cuối tháng 8/2021, để đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt và 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ trách nhiệm), phối hợp chặt chẽ với các huyện trong xây dựng quy hoạch; dành thời gian ưu tiên nghe về công tác quy hoạch; tăng cường đi thực tế chỉ đạo xây dựng quy hoạch. Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ ưu tiên thời gian họp cả ngày nghỉ và đêm nghe quy hoạch. Tăng cường làm việc trực tuyến; không để dịch bệnh ảnh hưởng tới tiến độ quy hoạch. Cụ thể, các báo cáo và Phương án quy hoạch các sở, ban ngành xong trước 15/9.

Các huyện, thị xã, thành phố phải đăng ký rõ tiến độ lập quy hoạch và phải xong trước 15/11. Hải Dương sẽ hoàn thành quy hoạch tỉnh trước 30/11 và trình Chính phủ phê duyệt xong trước 31/12/2021. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu, quy hoạch tỉnh phải lập theo phương pháp tích hợp sẽ thay thế cho khoảng 50 quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trước đây. Các cơ quan, chức năng, các địa phương cùng làm quy hoạch, cùng điều chỉnh để đi đến một sự thống nhất chung. Mỗi cơ quan, địa phương phải phân công cán bộ có chuyên môn, có tâm, có tầm để lập quy hoạch và phải phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình.