Minh bạch lãi suất cho vay tiêu dùng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có áp trần lãi suất?

Để minh bạch thị trường cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay, bao gồm cả cho vay tiêu dùng và Thông tư 43/2016 điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng đối với các tổ chức tài chính. Những quy định này khiến cho thị trường cho vay tiêu dùng cạnh tranh hơn, sôi động hơn, góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vẫn đang cao gấp 3 lần so với lãi vay của ngân hàng cùng kỳ hạn, thậm chí có nơi còn cao hơn tới 50 – 70%.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tú Anh, lãi suất cao dễ dẫn tới nguy cơ về rủi ro tài chính. Thực tế có những nước lâm vào tình trạng khủng hoảng do người dân không “thấy” được khả năng chi trả của mình tới đâu trong khi việc cho vay lại quá dễ dàng (nhiều công ty muốn dành thị phần nên đánh đổi cả sự an toàn). Vậy, có cần đưa ra trần lãi suất hay không? Nếu đặt trần lãi suất có mâu thuẫn với quy định thỏa thuận giữa người vay và người cho vay không?

Theo TS Cấn Văn Lực, không nên áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng. Việc không khống chế lãi suất như hiện nay là “thành công lớn về tư tưởng”, tháo gỡ nhiều vấn đề cho hệ thống ngân hàng thương mại cũng như công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng.

Mặc dù cũng đồng tình với quan điểm không áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng nhưng luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO lại chỉ ra một thực tế là đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này. Đặc biệt, khi Bộ luật Dân sự quy định trần lãi suất cho vay không quá 20% (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) dẫn tới trường hợp tòa án phải gửi công văn cho các tổ chức tín dụng và ngân hàng “hỏi” quan điểm về lãi suất. Hiện nay, theo giải thích của tòa án, hợp đồng tín dụng trước năm 2017 được phép áp dụng vượt trần lãi suất, tức là cao hơn lãi vay của ngân hàng 50 – 70% cũng hợp pháp. Tuy nhiên, tòa án lại chỉ hướng dẫn “tới” Bộ luật Dân sự cũ, còn quy định mới thì vẫn chưa “chốt” quan điểm. Do vậy, câu chuyện lãi suất vẫn lửng lơ, không biết đúng hay sai” – luật sư Đức nhấn mạnh.

Minh bạch phương pháp thu hồi lãi

Theo báo cáo năm 2016 về tổng quan toàn ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam do StoxPlus thực hiện, thị trường tài chính tiêu dùng đã chứng kiến nhiều “cú nhảy vọt” đáng kinh ngạc trong những năm gần đây. Cụ thể, tổng dư nợ/GDP của toàn ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam năm 2012 đạt 7,3 tỷ USD thì đến năm 2016 đã chạm ngưỡng 26,55 tỷ USD.

Mặc dù đã có quy định điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, những quy định này thường nghiêng về bảo vệ bên cho vay. Trong khi, nhận thức của người đi vay về khái niệm pháp luật, tài chính nhiều khi chưa rõ ràng, hợp đồng cho vay tiêu dùng cũng phức tạp, ngay cả những người có đào tạo, đọc hợp đồng cũng không thể lượng hóa được rủi ro. Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit Đặng Thanh Hùng khẳng định, mức độ hiểu biết về cho vay tiêu dùng của người dân còn thấp, thậm chí không hiểu rõ bản chất cho vay tiêu dùng hay cho vay tín chấp thông qua công ty tài chính như thế nào. Ngoài ra, khái niệm công ty tài chính cũng khá mơ hồ, khiến người dân ít tìm tới dịch vụ cho vay tiêu dùng chính thống này.

 Mặt khác, do vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ và ngắn hạn nên khách hàng ít quan tâm đến lãi suất ghi trong hợp đồng, mà chủ yếu quan tâm đến khoản tiền cụ thể phải trả hàng tháng. Nếu các công ty tài chính công bố lãi suất cố định cho từng khoản vay theo tuần, tháng nhưng không giải thích rõ sẽ tạo cảm giác lãi suất thấp, trong khi thực chất rất cao. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Phạm Xuân Hòe cho biết, phương pháp thu hồi lãi quyết định lãi suất phải trả của người vay là bao nhiêu. Ví dụ, nếu hợp đồng cho vay quy định lãi suất đơn thì người vay tiêu dùng có lợi hơn, tức là vay 100 triệu, lãi suất 12%, nếu trả làm 2 kỳ thì lãi suất thực chất chỉ là 9%. Với một loạt các phương pháp tính lãi suất khác nhau như bù trừ, chiết khấu, lãi gộp đã đặt ra thách thức cho người đi vay trong việc phải nhận biết rõ bên cho vay đang áp dụng phương pháp tính lãi suất như thế nào.

Các chuyên gia dẫn chứng trường hợp bên cho vay áp dụng phương thức cho vay tính lãi cố định trên dư nợ ban đầu, nếu bên vay không nhận thức đầy đủ thì rất dễ dẫn tới rủi ro. Đơn cử như vay 10 triệu đồng trong một năm với lãi suất 5%/tháng, nhưng khi số nợ gốc chỉ còn 1 triệu đồng vẫn phải trả lãi 500 nghìn đồng/tháng, tức lên đến 50%/tháng. Điều này khác xa so với trả lãi theo số dư thực tế, khi dư nợ chỉ còn 1 triệu đồng thì chỉ phải trả 50 nghìn đồng, tức vẫn là 5%/tháng.

Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị, để bảo vệ quyền lợi khách hàng vay tiêu dùng phải có quy định chặt chẽ, rõ ràng về hợp đồng cho vay; có công cụ, biện pháp bảo đảm nội dung, câu chữ trong hợp đồng không gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 35 năm 2017 của Chính phủ đã yêu cầu bãi bỏ việc đăng ký mẫu hợp đồng tiêu dùng với Bộ Công thương.

Thảo Mộc
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân