Biến động giá lúa gạo – không phải chỉ là dự trữ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Thưa Ông, ông đánh giá thế nào về những tác động khách quan và chủ quan đến biến động giá cả lúa gạo hiện nay?

Nguyên nhân biến động giá lúa gạo thì có nhiều; trong đó ngoài nguyên nhân biến động từ thị trường thế giới, xu thế tăng lên do thiếu hụt lương thực còn có yếu tố từ thị trường. Trong nước, do tổ chức ngành hàng, tâm lý người tiêu dùng, điều hành xuất nhập khẩu… cũng tác động đến giá cả lúa gạo trong nước. Để có giải pháp ổn định giá lương thực, có lẽ không đơn giản chỉ là chuyện tích trữ hay giải bài toán cung cầu đơn thuần, mà phải tổng hợp nhiều giải pháp.

– Hiện nay, biện pháp mua gom, dự trữ lúa gạo được cho là giải pháp quan trọng giúp bình ổn giá lúa gạo. Ông có cho rằng, đây là chìa quá quan trọng nhất giúp kiểm soát được biến động thị trường lúa gạo?

 – Có một thực tế hiện nay là thông thường các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đến lúc thanh lý hợp đồng mới mua gom, làm tăng giá lúa gạo trong nước. Do đó, nếu trữ được hàng, có kho chứa, là biện pháp hỗ trợ quan trọng để kiểm soát giá lương thực. Nhưng theo tôi giải pháp này không phải là tất cả.

Ngoài tổ chức dự trữ, phải tạo ra những yếu tố cạnh tranh trong xuất khẩu và thu mua lúa gạo. Việc dự trữ chúng ta đã làm, và cũng có tác dụng nhất định bình ổn thị trường. Nhưng, khi tiến hành dự trữ, cũng ít nhiều tạo biến động cung cầu trên thị trường. Nhà nước cần đóng vai trò chủ động hơn trong điều tiết cung cầu. Mà yếu tố mấu chốt vẫn là tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong ngành hàng, để xuất khẩu hay thu mua không tập trung vào một đầu mối tập trung, độc quyền.

– Vậy Ông có cho rằng có sự độc quyền nào đó trong thu mua hay xuất khẩu lúa gạo không?

– Không phải riêng với ngành hàng lúa gạo, một số doanh nghiệp có quá nhiều quyền lực, cả việc cung cấp hay thu mua. Nhìn tổng thể thì thấy trong ngành hàng đó có nhiều đơn vị doanh nghiệp cùng tham gia, nhưng xem xét kỹ hơn thì thấy lại chỉ tập trung ở số ít doanh nghiệp. Do đó độc quyền mua hay chuyện các doanh nghiệp nhìn nhau làm giá là có thật trong các ngành hàng nông sản hiện nay.

– Thưa Ông nhưng ở góc độ nào đó có phải là những doanh nghiệp lớn, có lợi thế, thì sẽ có tiếng nói tốt hơn trong cạnh tranh quốc tế?

– Có thể tham khảo kinh nghiệm Thái Lan, ngoài doanh nghiệp, vai trò đàm phán và xuất khẩu gạo của Chính phủ và hiệp hội ngành nghề rất quan trọng. Ví dụ Chính phủ cũng tham gia như một tác nhân xuất khẩu, ủy thác cho một số doanh nghiệp của Nhà nước để cùng cạnh tranh với tư nhân. Do vậy, việc tập trung vào một số đầu mối để dễ huy động nguồn hàng, dễ cạnh tranh xuất khẩu thì chỉ là một phần. Thực tế những đơn vị lớn này không thắng thế xuất khẩu dựa vào quy mô hay chất lượng hàng hóa, mà lại dựa vào lợi thế về giá. Trong khi đó, ở trong nước lại tổ chức thu mua lại có thể ép giá, hạ giá, làm cho người dân ở đầu ngành hàng nông sản chịu thiệt thòi hơn.

Theo Ông biện pháp về lâu dài để kiểm soát được giá cả của mặt hàng lúa gạo nên như thế nào?

– Phải nghĩ đến Luật nông nghiệp, trong đó liên quan đến chống độc quyền của các công ty lớn, doanh nghiệp lớn, các thành phần kinh tế có trọng lượng thương mại quá lớn. Về vấn đề tổ chức ngành hàng, cần đề cao vai trò tổ chức ngành hàng để hạn chế độc quyền. Vì thực tế không phải lúc nào doanh nghiệp cũng cố tình độc quyền, mà họ có lợi thế vốn lớn, doanh số, sản lượng quá lớn… Do đó, cần tổ chức ngành hàng để tạo sự cạnh tranh, minh bạch hơn. Trong đó, Chính phủ tham gia điều tiết doanh nghiệp tham gia ngành hàng.

– Xin cám ơn Ông!

Vũ Dũng thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân