Cần giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Xin Bà cho biết thực tiễn việc triển khai và tác động thực sự của kích cầu từ góc nhìn của ngân hàng?

Bà Cao Thị Thúy Nga: Ngay từ khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về chính sách kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hướng dẫn triển khai rất khẩn trương và chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) chặt chẽ, sát sao. Thống đốc NHNN Việt Nam đã đích thân đi kiểm tra và làm việc với nhiều NHTM và các khu vực. Cho đến ngày 23/4/2009, theo thông báo của NHNN, toàn hệ thống Ngân hàng đã cho vay hỗ trợ được 254.900 tỷ đồng. Đối với NH Quân đội (MB), ngay sau khi nhận được hướng dẫn thực hiện của NHNN, MB đã bắt tay ngay vào thực hiện chương trình cho vay “Hỗ trợ lãi suất 4% – Cơ hội trong tầm tay”. Chúng tôi chủ động hội thảo/gặp gỡ giới thiệu với khách hàng về chính sách của chính phủ và hướng dẫn thủ tục cho khách hàng. Đến nay, việc thực hiện chủ trương này tại MB diễn ra khá tốt, đến hết quý I/ 2009, MB đã hỗ trợ lãi suất được 4.190 tỷ đồng chiếm 9,3% toàn khối NHTMCP và 2% toàn hệ thống. MB luôn được NHNN đánh giá cao, là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này. Có thể nói chỉ với gần 3 tháng thực hiện nhưng chính sách kích cầu này đã bước đầu phát huy hiệu quả, là công cụ hữu hiệu để giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn. Đã có nhiều doanh nghiệp nhờ có được nguồn vốn rẻ đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh hiêu quả. Các NHTM thực sự bận rộn hơn trước bởi đây là khoản vay phải quyết toán với ngân sách vì vậy thêm rất nhiều công việc và nhân lực cho việc phục vụ chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc và ngược lại giúp ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt hơn.

PV: Ai, khu vực nào hưởng lợi nhiều nhất từ gói kích cầu này và liệu có hệ lụy gì cần lưu ý không, thưa Bà?

Bà Cao Thị Thúy Nga: Qua thực tế đánh giá hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất mà MB thực hiện thì lĩnh vực đang được cho vay hỗ trợ lãi suất chiếm tỉ lệ nhiều nhất là các khách hàng trong các lĩnh vực thương nghiệp và công nghiệp chế biến. Tuy nhiên khối doanh nghiệp lớn hấp thụ nguồn vốn kích cầu này cao hơn khối doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu do họ có các phương án kinh doanh hiệu quả, rõ ràng và hồ sơ đảm bảo hơn các DN SMEs. Một số DN nhỏ thì không muốn tiếp cận nguồn vốn này vì họ còn tâm lý e ngại do không đáp ứng nổi hồ sơ thủ tục và ngại sự kiểm tra sau của ngân hàng quá chặt chẽ. Một số DNXK thì “bí” đầu ra do hợp đồng với nước ngoài bị cắt giảm, thị trường thu hẹp, giá hàng hóa tại thị trường quốc tế giảm mạnh nên cũng chưa tiếp cận với NH để vay… Mỗi một chương trình mang tính chính sách hỗ trợ thì thường dễ phát sinh vấn đề ‘mặt trái” nếu không quản lý kiểm soát tốt những vấn đề có thể xảy ra như vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thực hiện sai quy chế tín dụng, không kiểm soát nổi dòng tiền đi đâu và có mang lại hiệu quả không? không hỗ trợ tư vấn cho khách hàng… Chính phủ đã giao ngành ngân hàng quản lý và Thống đốc đã chỉ đạo rất nghiêm túc vấn đề này. Bản thân MB cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ để kiểm soát tình hình.

PV:Còn cần những giải pháp nào khác để tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, giải quyết tình trạng mất việc làm và kích thích phát triển kinh tê?

Bà Cao Thị Thúy Nga: Chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất hiện nay đang giúp các doanh nghiệp giải quyết vốn đầu vào cho sản xuất, kinh doanh để có thể duy trì hoạt động, tuy nhiên để vượt qua thời kỳ khó khăn thì doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố khác. Một trong những yếu tố quan trọng và có tính chất quyết định là giải quyết đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nguồn vốn để tiếp tục sản xuất nhưng nếu không giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm thì doanh nghiệp vẫn còn tiếp tục gặp khó. Do đó cần có những chính sách đồng bộ để giúp doanh nghiệp giải quyết triệt để khó khăn. Vừa qua Chính phủ đã có nhiều chính sách tích cực như hỗ trợ cho vay Trung dài hạn, bảo lãnh cho DN SMEs vay vốn, chính sách thuế, chính sách kích thích tiêu dùng thông qua việc cho phép NHTM mở rộng cho vay tiêu dùng, hỗ trợ nhà ở xã hội., cho vay khu vực nông nghiệp… Tôi nghĩ Chính phủ cũng cần hỗ trợ các DNXK trong việc khuyến khích họ đầu tư công nghệ chiều sâu để đảm bảo hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với các nước khác, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra thị trường mới, kiểm soát hàng nhập lậu để bảo vệ hàng trong nước, lái sự tiêu dùng của người Việt dùng hàng nội địa (như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia), tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người nghèo hiệu quả hơn. Thực tế cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua cho thấy các nước có nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu thì bị ảnh hưởng ít nhất.

PV: Xin cảm ơn Bà!

Hải Thanh
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản lý