Không nên quản lý vàng như ngoại hối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Trong thời gian vừa qua, giá vàng quốc tế cũng như trong nước đã biến động khá mạnh, ông dự đoán thế nào về xu hướng thị trường vàng trong thời gian tới ?

Tuần trước giá vàng tăng khá mạnh, giá trong nước tăng 1,67%, thế giới tăng 1,03%. Tuy nhiên hiện tại đang có dấu hiệu chững lại và có thể dao động đi ngang trong khoảng 1.226 – 1.228 USSD/oz. Về trung và dài hạn giá vàng tiếp tục có xu hướng tăng cao, đến tháng 11/2010 có thể dao động 1.260- 1.280 USD/oz. Bởi hiện tại nhu cầu đầu tư vàng vẫn tăng trong khi đó xu hướng lạm phát, mất giá vẫn là xu hướng chính đối với nhiều nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư vẫn xem vàng là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Một quan chức của Sở Giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) cho biết số lượng vàng giao dịch tại SGE trong 6 tháng đầu năm 2010 đã tăng đến 3.174,5 tấn so với cùng kỳ năm 2009, tương đương 102.100.000 oz, gần tương đương với mức dự trữ của Đức. Đặc biệt, các ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng quốc gia. Chỉ tính dự trữ vàng của 5 quốc gia và tổ chức đứng đầu thế giới hiện nay là Mỹ, Đức, IMF, Italia, Pháp đã lên tới gần 20.000 tấn vàng. Điểm đáng lưu ý là xu hướng chu kỳ tăng hoặc giảm giá vàng hiện nay thường không kéo dài vì vậy các nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư. Cần theo dõi sát sao thị trường để có thể đưa ra các quyết định hợp lý.

– Hiệp hội kinh doanh vàng khu vực phía Nam, vừa kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức nhằm tạo sức cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường VN và quốc tế, ông đánh giá vấn đề này như thế nào ?

Diễn biến giá vàng từ 17 – 23/8/2010   Theo số liệu thống kê sơ bộ thì tính hết 6 tháng đầu năm 2010 các DN của VN đã xuất khẩu trên 36 tấn vàng trong khi đó lượng vàng nhập khẩu về chưa đến 10 tấn. Phần lớn nguồn vàng nguyên liệu của VN phụ thuộc vào nhập khẩu, nguồn vàng khai thác trong nước không đáng kể. Vì vậy muốn cho giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới cũng như tránh tình trạng chênh lệnh quá lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế thì cần có cơ chế linh hoạt để các DN chủ động nhập khẩu vàng phục vụ cho hoạt động kinh doanh cũng như điều tiết giá vàng trong nước. Sở dĩ có những giai đoạn giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khá nhiều là do nguồn cung bị hạn chế so với nhu cầu. Vì vậy việc các DN kiến nghị nhập khẩu vàng nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh là chính đáng. Đây cũng là vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm và rất cần có một giải pháp mang tính tổng thể. Xu hướng quản lý theo kiểu tăng giấy phép con, tăng thủ tục hành chính là đi ngược lại với chủ chương cải cách hành chính của Chính phủ.

– Ngoài việc lo ngại ảnh hưởng tới nhập siêu thì một trong những nguyên nhân khiến cho vàng bị quản lý chặt như hiện nay xuất phát từ quan niệm vàng giống như ngoại hối. Còn quan điểm của ông thế nào ?

Thế giới từ lâu đã coi vàng là một sản phẩm hàng hóa. Trước đây bản vị vàng được quy định giữ một tỷ lệ nhất định với một số ngoại tệ. Thế nhưng kể từ năm 1970, khi Mỹ thả nổi USD và bỏ bản vị vàng thì nhiều nước đã không còn coi vàng là ngoại hối nữa. Việc xem xét vàng với vai trò như thế nào sẽ rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách. Đây là điều mà cơ quan quản lý cần có sự nghiên cứu và xem xét thấu đáo để làm sao tạo được một hành lang thông thoáng cũng như cơ chế thích hợp cho hoạt động kinh doanh vàng phát triển.

– Xin cảm ơn ông !

Phan Nam thực hiện
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp