‘Khuôn mặt mới’ của chứng khoán
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tháng ba năm rồi, bất chấp dịch Covid hoành hành, N. đã cùng chồng rút ba tỷ đồng tiết kiệm cả chục năm, mở tài khoản ở công ty chứng khoán, mua cổ phiếu.

Khi tôi hỏi vì sao mua và mua cổ phiếu nào, cô bình thản trả lời chọn XYZ, “vì nó rẻ quá”.

Tổ chức tài chính kia không hề nhỏ, nhưng giá trị vốn hoá thời điểm ấy chỉ nhỉnh hơn 650 triệu USD. Hai vợ chồng cô bắt đầu mua khi thị giá chạm ngưỡng 9.000 đồng mỗi cổ phiếu và họ mua xong, giá rơi về gần 7.500 đồng mỗi cổ phiếu. Tính ra, giá mua bình quân của họ hơn 8.000 đồng một cổ phiếu.

Hai vợ chồng N. thuộc thế hệ nhà đầu tư F0 – những người tham gia thị trường chứng khoán khoảng mười tháng nay.

Tuần trước, khi chỉ số VN-Index có phiên đỏ lửa, rớt 74 điểm, nhiều người chê thế hệ F0 “đầu tư theo phong trào, theo đám đông, không nghiên cứu kỹ lưỡng doanh nghiệp, cứ thấy lên là mua”… đủ loại phê bình. Cứ như thể F0 là những nhà đầu tư thất học hay hiểu biết không đến nơi đến chốn, ham hố lời lãi đến mức liều lĩnh.

Thực tế dường như không phải vậy. Tất nhiên nhà đầu tư thời nào cũng có người mua bán theo đám đông. Đầu tư theo đám đông xét cho cùng chưa hẳn đã không tốt. Nhưng tiếp xúc với họ, tôi biết đa phần thế hệ F0 thuộc thành phần sinh viên, lưu học sinh, viên chức cổ cồn, nhân viên trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, doanh nghiệp, trong các ngành nghề ít nhiều liên quan đến kinh tế. Họ có kiến thức về cổ phần, cổ phiếu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, về khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh. Và nhất là họ trẻ, nhanh nhạy, mang trong mình hơi thở của thời đại công nghệ và cả tương lai. Tất nhiên, F0 cũng có những người có tuổi, đã nghỉ hưu hay người lao động trong các nhà máy, nhưng họ không phải không tìm hiểu về cổ phiếu trước khi giải ngân.

Tôi đem câu chuyện “F0” chia sẻ với ông Dominic Scriven, chủ tịch Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, người đã 25 năm lăn lộn cùng chứng khoán Việt Nam. Vào thời điểm tháng 7/2020, khi VN-Index mới phục hồi đâu đó 30% so với đáy 650 điểm, ông đã cho rằng “thế hệ F0 là xu hướng lâu dài của thị trường”.

Những gì thế hệ nhà đầu tư Fn – lớp người tham gia thị trường từ năm 2000 đến nay, nhiều kinh nghiệm – đã kinh qua, ông Dominic Scriven đều nếm trải, kể cả việc quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý suýt bị giải thể hồi khủng hoảng 2008-2010. Song, không vì thế mà ông không “tâm phục khẩu phục” lối suy nghĩ và hành động của nhà đầu tư F0.

Quan sát từ bình diện quốc tế, ông nhận ra thế hệ F0 năng động đã nhìn thấy dòng chảy tiền rẻ, lạm phát trong tương lai và họ đầu tư vào các cổ phiếu, nguyên liệu hàng hoá như một động thái bảo toàn tài sản. “Họ đã đúng”, Dominic Scriven kết luận. Và ông tiếc mình đã không mua các cổ phiếu công nghệ như Apple, Amazon, Google, Tesla… như họ.

Chứng khoán Việt Nam, cùng nhịp với chứng khoán toàn cầu, đã có gần mười tháng đi lên liên tục và chỉ điều chỉnh mạnh khi chạm đỉnh cao nhất trong lịch sử tính đến bây giờ 1.200 điểm. Việc điều chỉnh có lẽ chỉ mang tính thủ tục trong một thị trường mà các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” đều đang hội tụ.

Mặt bằng lãi suất tiền đồng chưa bao giờ thấp như hiện nay và để hỗ trợ nền kinh tế, chính sách điều hành tiền tệ sẽ còn duy trì lãi suất thấp một thời gian tương đối dài. Các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ đang “thất sủng”, còn bất động sản đòi hỏi vốn lớn hàng tỷ đồng và không thể mua bán nhanh chóng, gọn nhẹ như cổ phiếu. Không có lực đẩy nào gia tăng cường độ hấp dẫn cho chứng khoán như lãi suất thấp.

Hơn thế, một số góc nhìn truyền thống về chứng khoán đang thay đổi. Chẳng hạn, việc đánh giá ra sao về một thị trường cổ phiếu đắt rẻ, về một doanh nghiệp cơ bản tốt, về một ngành nghề thời thượng trong nền kinh tế… đều đang thấm đẫm nhận thức của thế hệ nhà đầu tư F0.

Ở Mỹ, cổ phiếu của hãng xe điện Tesla đã tăng giá xấp xỉ 12 lần trong chín tháng gần nhất, từ 72,3 USA lên gần 847 USD mỗi cổ phiếu – giá đóng cửa ngày 22/1/2021. Tesla có chỉ số P/E (thị giá cổ phiếu trên thu nhập bình quân của cổ phiếu) “không tưởng”: 1.677 lần. Ai bảo “tính đầu cơ vắng bóng trong thị giá cổ phiếu Tesla” là không chính xác và không đầy đủ, tuy nhiên tại sao giá cổ phiếu Tesla vẫn rất cao?

Tesla không đơn thuần là một hãng sản xuất xe điện mà là một công ty công nghệ, nơi thế hệ nhà đầu tư F0 nhìn ra tác động của công nghệ lên đời sống con người, lên việc bảo vệ môi trường. Nội việc những chiếc xe điện chạy pin đường dài không gây khí thải, không ô nhiễm môi trường đã đủ để thu hút hàng trăm triệu, hàng tỷ người muốn hít thở bầu không khí trong lành. Xe điện Tesla là một trong những biểu tượng của công nghệ hiện tại và tương lai, chưa nói đến các cải tiến công nghệ sử dụng thuật toán mà hãng đang nghiên cứu ứng dụng.

Điều này có thể giúp lý giải vì sao đã, đang và sẽ có những cổ phiếu tăng giá “điên rồ” ở nhiều thị trường chứng khoán mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Cơ hội trên cả ba sàn chứng khoán Việt đối với hàng ngàn cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch vẫn còn nhiều khi thế hệ F0 “thổi hồn” vào chúng dòng suy nghĩ của thời Covid.

Mười mấy tháng trước, ai có thể hình dung viễn cảnh hàng tỷ người trên thế giới phải cách ly xã hội hoàn toàn, ngành hàng không, du lịch lao đao, bệnh viện quá tải vì số ca nhiễm mới mỗi ngày và ngân hàng trung ương nhiều nước phải in tiền để kinh tế không gãy đổ?

Chỉ trong tháng 12/2020, hơn 63 nghìn tài khoản chứng khoán mới được mở tại Việt Nam. Nếu mỗi tài khoản được nhà đầu tư bỏ vào 300 triệu đồng, thị trường đã có thêm dòng vốn gần 20 nghìn tỷ đồng.

Nhìn xa rồi lại nhìn gần. Chính thế hệ F0 đã “cứu” chứng khoán Việt. Cái thời nhà đầu tư trong nước chạy theo việc mua bán của khối ngoại đã qua. Năm 2020, nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16 nghìn tỷ đồng trên Hose, Hnx và UpCom, nhưng đâu có “nhằm nhò” gì. Dòng tiền của nhà đầu tư F0 không những đủ sức cân bằng mức bán ròng của khối ngoại, mà còn trở thành lực lượng dẫn dắt thị trường. Covid đã góp phần đưa lực lượng nhà đầu tư F0 trở thành một phần quan trọng mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn lại, sau 20 năm ra đời, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Sàn TP HCM từ chỗ chỉ có hai công ty niêm yết, REE và SAM, đến hôm nay đã có giá trị vốn hoá bằng 69,72% GDP của năm 2019. Gần ba triệu tài khoản của nhà đầu tư đã được mở và giao dịch.

Với vị thế mới, cơ đồ mới của Việt Nam trên trường quốc tế, thị trường chứng khoán hứa hẹn những bước đột phá ngay trong năm 2021 này.

Hải Lý