Lãi suất ngân hàng: Quản thế nào?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thế nhưng, các DN vẫn phải vay vốn với lãi suất cũ, cách đây vài ba tháng, từ 18% đến 20% cho các loại hình sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là: Nhà nước có cần quản lý LSHĐ và LSCV hay không và quản như thế nào?

Quản “trần” là không thấu lý

LSCV của NHTM có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các DN. Bởi lẽ, vốn kinh doanh của các DN hiện nay phụ thuộc phần lớn vào vốn vay của các NHTM. LSCV là bộ phận cấu thành chi phí kinh doanh của các DN. LSCV càng cao thì khả năng cạnh tranh của các DN càng yếu. Từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế nước ta ở tình trạng bất ổn với lạm phát cao. Song, điều không bình thường là, lạm phát cao đã đẩy LSCV lên cao, các DN càng khó khăn thì ngược lại, các NHTM lại càng lãi lớn. Từ đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý cho rằng, Nhà nước cần quản lý đối với LSCV. Khi thảo luận, góp ý cho Luật Giá sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, một số ý kiến đề nghị đưa LSCV của các NHTM vào danh mục giá do Nhà nước quy định. Như vậy, rõ ràng là việc quản lý LSCV đã trở thành đòi hỏi khách quan của nền kinh tế. Vấn đề còn lại chỉ là quản như thế nào để không trái luật và phù hợp với đòi hỏi của kinh tế thị trường. Tuy nhiên việc NHNN không quy định trần LSCV, nhưng lại quy định trần LSHĐ đã nảy sinh ý kiến cho rằng, NHNN đang “quản ngược”!

LSHĐ là đầu vào và LSCV là đầu ra của NHTM. Trong kinh tế thị trường, trừ các sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá, các DN có quyền quyết định giá đầu vào và giá đầu ra của hàng hoá, dịch vụ của mình. Các NHTM cũng là những DN và cũng có các quyền đó. Vì vậy, NHNN dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt trần LSHĐ và cả trần LSCV là không thoả đáng. Hơn nữa, với quy định cứng về trần LSHĐ và LSCV, các NHTM đã “lách luật” bằng rất nhiều biện pháp tinh vi để cạnh tranh thu hút tiền gửi và nâng LSCV trong thực tế. Chẳng hạn, với tiền gửi, các NHTM đã áp dụng khá nhiều biện pháp thưởng, khuyến mãi đối với người gửi tiền. Với LSCV, các NHTM đặt ra hàng loạt phí để thu thêm từ người vay như phí quản lý hồ sơ, phí quản lý tài sản đảm bảo, phí đôn đốc thu nợ…

Phân tích trên cho thấy, quản “trần” LSHĐ và LSCV đều không thấu lý. Nhưng lại không thể thả nổi LSCV vì khi đó, các NHTM sẽ có cuộc liên minh ngầm, đẩy LSCV lên cao, thao túng nền kinh tế. Và hậu quả sẽ là, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ để “nuôi” các ngân hàng. Khi tư bản tài chính khống chế nền kinh tế thì tư bản sản xuất, tư bản thương mại sẽ biến mất. Đó là vấn đề có tính quy luật trong kinh tế tư bản!

Quản lý khoản chênh lệch – tại sao không?

Hiệu quả hoạt động của các NHTM không phụ thuộc vào LSHĐ hay LSCV mà phụ thuộc vào khoản chênh lệch giữa hai chỉ tiêu này. Rõ ràng, phần thu của NHTM trong hoạt động cho vay tính trong một thời kỳ nhất định bằng LSCV bình quân trừ (-) LSHĐ bình quân. Khoản chênh lệch nêu trên càng lớn, lợi nhuận của NHTM càng cao và ngược lại. LSHĐ bình quân, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào cơ cấu nguồn tiền đem cho vay. Nếu toàn bộ số tiền đem cho vay là tiền huy động thì LSHĐ bình quân là số bình quân của LSHĐ các NHTM thực trả cho người gửi tiền. Nếu trong số tiền cho vay, có một tỉ lệ vốn tự có của NHTM thì LSHĐ bình quân sẽ nhỏ hơn LSHĐ mà NH thực trả. Tỉ lệ vốn tự có của NHTM trong tổng số tiền cho vay càng lớn thì LSHĐ bình quân càng thấp so với LSHĐ thực trả cho người gửi tiền. LSHĐ bình quân càng thấp thì NHTM càng có điều kiện để hạ LSCV, tăng sức cạnh tranh của mình. Điều đó có nghĩa là, NHTM có VĐL càng cao, khả năng cạnh tranh càng cao và ngược lại.

Thực tế những năm qua cho thấy, khi LSHĐ ở mức 19%/ năm thì LSCV tới 24% đến 25%/ năm, cá biệt có trường hợp tới 32%/ năm. Khi NHNN quy định LSHĐ không vượt quá 14%/năm thì LSCV phổ biến vẫn ở mức 19% đến 20%/năm. Như vậy, khoảng cách giữa LSHĐ với LSCV ở mức 5% đến 7%. Khoảng cách này ở các NH trên thế giới chỉ ở mức 3,50% đến 4%. Rõ ràng, khoảng cách giữa đầu vào và đầu ra của các NH Việt Nam là quá cao.

Từ phân tích trên, có thể thấy, NHNN chỉ cần quy định “khoản chênh lệch định mức” giữa LSHĐ bình quân và LSCV bình quân của NHTM. Chẳng hạn, khoản chênh lệch định mức là 3,00, LSHĐ bình quân của NHTM A là 12%/ năm thì LSCV bình quân sẽ là 15%/ năm. Với biện pháp này, NHNN không can thiệp vào quyền tự chủ trong huy động tiền gửi và cho vay của NHTM. Các NHTM sẽ cạnh tranh với nhau trên thị trường, NHTM nào có khả năng cho vay với LSCV thấp sẽ giành được khách hàng và ngược lại. Tất nhiên, NHNN cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định về “chênh lệch định mức”. Đồng thời, cần có chế tài nghiêm khắc đối với những NHTM cố tình vượt “chênh lệch định mức” với quy định: khoản thu nhập do vượt “chênh lệch định mức” sẽ thu toàn bộ vào NSNN. Quy định chỉ tiêu “Chênh lệch định mức” như nêu trên là biện pháp quản lý thuộc thẩm quyền của NHNN, không bị cấm theo các quy định của pháp luật. Nó cũng tương tự như biện pháp Nhà nước quy định định mức phí lưu thông trong kinh doanh xăng dầu hiện nay. Vấn đề chỉ là, chúng ta có quyết tâm thực hiện hay không?

Luật gia Vũ Xuân Tiền
Nguồn: Báo Điện tử Lao động