Môi trường kinh doanh tăng 9 bậc: Đáng mừng, nhưng không được chủ quan
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Đây là nhận định của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư về sự cải thiện chỉ số thuận lợi kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh 2017 mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố theo đó Việt Nam đã tăng 9 bậc so với báo cáo năm ngoái?

Những đánh giá của WB dựa trên số liệu điều tra thống kê và những thay đổi về thể chế, quy định mà Việt Nam đã tiến hành trong thời gian qua, cùng với đó là thực tế ghi nhận qua điều tra điểm của WB. Điều tra này tuân thủ theo những quy chuẩn và quy trình thống nhất của WB, quy trình này áp dụng với các nước như thế nào thì áp dụng với Việt Nam như vậy, vì thế tôi cho rằng kết quả này là khách quan.

Việc Việt Nam tăng tới 9 bậc trong bảng xếp hạng này rất đáng mừng, điều này thể hiện công lao, kết quả của chúng ta trong cải cách thể chế mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý kết quả thực chất đằng sau con số này. Vì thực tế cho thấy trong khi Chính phủ cải cách mạnh mẽ thì bộ máy thực thi ở dưới thực hiện vẫn còn có hạn chế, chưa thực sự đi vào cuộc sống. Có những nơi cán bộ thực thi vẫn chưa tốt. Vẫn còn có những DN cho biết, những cải cách đó chưa đến được với DN. Vì thế, tôi cho rằng cần xoay chuyển mạnh mẽ hơn để những thay đổi đó tiếp tục đi vào cuộc sống, tiếp tục đổi mới và cải cách.

Theo đánh giá của WB, một số chỉ số đã có những cải thiện đáng kể như chỉ số bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế, giao thương quốc tế… Ông đánh giá như thế nào về sự cải thiện của những chỉ số này trong thời gian qua?

Tôi cho rằng những chỉ số trên đã thực sự có những thay đổi tốt hơn trong thời gian qua. Ví dụ, với lĩnh vực nộp thuế, những cải cách trong lĩnh vực này rất khá, rất rõ ràng và đáng ghi nhận, thủ tục nộp thuế đã được siết lại. Bên cạnh đó, lĩnh vực Hải quan đã được tự động hóa, thời gian thông quan cũng đã có sự cải thiện tốt hơn trước rất nhiều. Tôi cho rằng chúng ta phải nhìn nhận đầy đủ cả hai mặt, mặt được và chưa được một cách khách quan, rõ ràng. Đúng là có những cái Việt Nam chậm so với các nước, chậm so với yêu cầu nhưng phải nhìn thấy rằng, nếu so với chính bản thân ta trước đây thì chúng ta đã khá hơn. Tôi cho rằng WB không có sự thiên lệch khi ghi nhận sự cải thiện của Việt Nam. Tuy nhiên cần nhấn mạnh chúng ta không được chủ quan, bởi kết quả này cũng có thể bị tụt xuống nếu chúng ta không tiếp tục nỗ lực cải cách. Sự sụt giảm này nằm ở hai lẽ, một là chúng ta dừng lại trong khi các nước khác tiến lên, hoặc là chúng ta quay trở lại với hạn chế cũ.

Để tiếp tục có sự cải thiện về chỉ số thuận lợi kinh doanh, theo ông Việt Nam cần lưu ý vấn đề gì?

Tôi cho rằng bản thân các cơ quan chức năng, các bộ ngành đã có chương trình và được giao nhiệm vụ cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chẳng hạn, để đạt được mục tiêu Việt Nam vào top đầu của ASEAN thì cần phải làm những gì… Tuy nhiên, ngoài cấp Trung ương thì cần lưu ý là việc triển khai ở cấp địa phương là rất quan trọng bởi chỉ số chung của cả nước phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện ở các địa phương.

Xin cảm ơn ông!


Thu Hiền (thục hiện)
Nguồn: Báo Hải quan điện tử