Năm đầu thời ‘Cô vy’
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Liếc thoáng qua tin nhắn, tôi giật mình vì tưởng chúng ta lại có “ca” nhiễm mới. Cái Tết sum vầy tôi và bao người mong đợi có nguy cơ tan biến.

“Ngày 23/1, Việt Nam ghi nhận ca Covid đầu tiên trong cộng đồng”, tin nhắn nhắc “kỷ niệm” một năm ngày Việt Nam bị kéo vào cơn bão đại dịch toàn cầu đến đúng lúc tôi đang dự lễ công bố triển khai thử nghiệm vaccine của Việt Nam.

Đọc lại, tôi thở phào. Tôi đã sợ chúng ta lại phải lao vào guồng quay mới như giờ này năm trước. Hệ thống chống dịch lại khởi động, cuộc sống sẽ một lần nữa bị đảo lộn.

Với tư cách một công dân, với tôi, một năm Covid đã qua đầy ắp những kỷ niệm, sự kiện mà chắc không bao giờ tôi quên. Tất cả vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua. Chúng ta, sau một đêm thức dậy, mọi thứ không bao giờ như cũ nữa. Từ công việc hàng ngày trong nhà, học tập ở trường, lịch trình ở công sở…. đều phải theo trật tự mới.

Những ngày thành phố không một bóng người mặc dù không phải sáng mồng Một đầu năm mới. Rồi buổi tối, khi đợt dịch đầu tiên đang lắng xuống, nhóm chúng tôi ngồi bên nhau nhâm nhi ly rượu vang tại quán vỉa hè quen thuộc, chợt nghe hung tin về ca nhiễm thứ 17. Vị Pinot noir bỗng nhạt thếch trong mồm. Hay những buổi sáng tôi cùng cộng sự hồi hộp đợi tin nhắn kết quả các ca F1 của một cô cậu F0 lớ ngớ lọt ra cộng đồng. Cả nước, không phải một lần, có lẽ đều cùng nhau thở phào và lẩm bẩm: “cầu Trời phù hộ!”.

Còn với tư cách một bác sĩ, tôi và những nhân viên y tế được gọi là “người trong cuộc”, càng không bao giờ có thể quên “năm đầu thời Cô vy”. Một năm đầy biến động với nghề. Con thuyền Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trải qua bao sóng gió. Chúng tôi đã nhập cuộc rất sớm và luôn thực hiện mọi khuyến cáo của chính phủ cao hơn một mức. Đã có những phút giây căng thẳng đến không thể ăn khi một nhân viên của chúng tôi bị nghi nhiễm bệnh. Cả đội ngũ ngay lập tức đồng lòng khởi động và vận hành hệ thống chống dịch của bệnh viện, may thay đều trơn tru tốt đẹp.

Tôi nhớ cảnh những đoàn bác sĩ, điều dưỡng lao đi trong đêm vào tâm dịch ở miền Trung, các video hướng dẫn phòng chống dịch, lấy mẫu tỵ hầu lan đi nhanh không kém. Máy đo thân nhiệt tự động, phòng sàng lọc Covid “container” là các sản phẩm “made in” của chúng tôi lần đầu được áp dụng. Cũng từ những khó khăn của đại dịch, chương trình Khám bệnh từ xa Telehealth đã được triển khai đầu tiên tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội ngày 18/4. Cho tới hôm nay, gần 200 bệnh viện đã tham gia vào câu lạc bộ Telehealth của chúng tôi. Gần 10 phòng khám trực tiếp Telehealth bao gồm cả nước bạn Lào, Hàn Quốc và mới đây là Nhật Bản đã chính thức hoạt động, mang lại làn gió mới trong hoạt động khám chữa bệnh tại Việt Nam.

“Nhờ” đại dịch, cái khó đã ló cái khôn, rất nhiều ý tưởng đã được hiện thực hóa. Tôi không có điều kiện tiếp cận thông tin mọi ngành nghề, nhưng có lẽ ngành Y chúng tôi đã trưởng thành nhiều nhất qua một năm dịch giã.

Đó là lý do tôi tin chắc rằng, nếu chúng ta tiếp tục bám sát những nguyên tắc của mình, kiểm soát tốt luồng di cư từ bên ngoài vào nội địa, con virus quái ác sẽ khó xâm phạm và làm đảo lộn cuộc sống tạm yên bình này.

Lo lắng và hy vọng lớn nhất của tôi là niềm tin chống dịch vào hệ thống Y tế vừa nhen nhóm sẽ không bị kéo đổ do những con sâu làm rầu nồi canh. Như những vụ bắt bớ vì sai phạm không liên quan đến hoạt động chuyên môn của các vị giám đốc vài bệnh viện, lãnh đạo CDC. Hay những dòng người nhập cảnh tiểu ngạch đang kéo về trước Tết sẽ trong tầm kiểm soát.

Quay lại việc thử nghiệm vaccine “made in Vietnam” mà tôi được dự lễ khởi động hôm qua, hy vọng thử nghiệm lâm sàng sẽ thành công. Chúng ta vẫn đang đi đúng chiến lược đã vạch ra: đóng cửa với các nước có kiểm soát, cách ly cho đến khi vaccine phát huy hiệu quả.

Ở năm Covid thứ hai này, chúng ta vẫn sẽ có những ca lây nhiễm lọt ra cộng đồng, thậm chí có thể có những cụm, những ổ dịch. Tuy nhiên, tôi tin vào chiến thuật cách ly truy vết bài bản, và dịch sẽ vẫn trong tầm kiểm soát. Còn niềm hy vọng mở cửa nền kinh tế tới đây sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của vaccine.

Nhưng còn một “vaccine” khác mà tôi trông đợi, là tinh thần chống dịch thẳng thắn, không tô hồng. Như mọi năm, chúng ta luôn ngồi lại với nhau để nhìn nhận những điều chưa làm tốt, những thiếu sót khuyết điểm. Chỉ khi các thiếu sót bất cẩn, dù nhỏ bé, được nhìn nhận, chúng ta mới đổi thay tốt hơn nữa.

Tôi đã chia sẻ với nhân viên của mình, cố gắng thật nhiều để tạo điều kiện cho người bệnh được hưởng dịch vụ tốt hơn, và các y bác sĩ cũng có môi trường để phát huy tối đa khả năng của mình. Mong muốn này, xin được mạo muội chia sẻ với cả ngành Y.

Nguyễn Lân Hiếu