Nghị quyết 35 mang ‘lửa’ cải cách đến các bộ ngành, địa phương
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2016 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng DN. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển DN đến năm 2020 (Nghị quyết 35/NQ-CP), con số DN đăng ký thành lập đã cán đích 100.000 ngay từ giữa tháng 11 và về đích với 110.000 DN vào trung tuần tháng 12.

Điều bất ngờ

Sức mạnh từ Nghị quyết 35/NQ-CP được lan tỏa thông qua Chính phủ, các cấp chính quyền, cán bộ công chức tới mọi lĩnh vực và địa bàn hoạt động của DN.

Tốc độ đăng ký kinh doanh thành lập DN mới trong ngành công nghiệp chế tạo đã tăng trên 80%.

Điều bất ngờ là, nếu như khu vực Tây Nguyên những năm trước luôn có số DN đăng ký thành lập mới giảm dần so với 5 vùng còn lại của cả nước, thì nay đã tăng trở lại với tổng số vốn đăng ký tăng mạnh nhất trong cả nước.

Tính đến hết tháng 11/2016, tuy số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 18.901 DN, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước (số DN này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh), nhưng số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 35.145 DN, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả khảo sát động thái DN Việt Nam năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành tháng 11/2016 cho thấy cảm nhận của DN về doanh số và sức mua có nhiều tín hiệu khả quan mặc dù lợi nhuận bình quân trong năm 2016 giảm so năm 2015. Tuy nhiên, các DN vẫn có kỳ vọng là chỉ số này sẽ được cải thiện trong năm 2017.

Năng suất lao động bình quân cũng được cảm nhận là đã cải thiện trong năm 2016 và tiếp tục được dự cảm tăng lên trong năm 2017. Các DN đã bắt đầu chú trọng vào việc nâng cao tay nghề công nhân thông qua các khóa đào tạo nội bộ, áp dụng các quy trình sản xuất có hiệu quả, đồng thời đổi mới và cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất.

Bên cạnh đó, sản phẩm tồn kho năm 2016 so với năm 2015 cũng giảm mạnh nhờ việc mở rộng cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu và việc áp dụng các chính sách khuyến mại, biện pháp giảm giá trong năm qua.

Không thể phủ nhận đây là kết quả của những nỗ lực hết sức của DN cùng với sự hậu thuẫn của các cơ quan Nhà nước và một Chính phủ kiến tạo, thể hiện rõ nhất qua đánh giá của DN về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Nghị quyết 35/NQ-CP đã truyền “lửa” cải cách đến với các bộ, ngành, địa phương.

Chẳng hạn như, ở cấp địa phương, các hoạt động của UBND tỉnh, thành phố đều hướng tới cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh và đã có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua tổ chức đối thoại công khai với cộng đồng DN, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

Có 56,6% DN trả lời UBND tỉnh, thành phố nơi DN hoạt động có tổ chức những cuộc đối thoại công khai này. Các DN đánh giá cao cơ chế một cửa và việc thiết lập đường dây nóng ở các cấp chính quyền địa phương.

Ở cấp bộ ngành, chỉ có khoảng 25% DN trong diện khảo sát chưa nhận thấy tác động của việc triển khai các nhóm giải pháp nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Cũng với tỷ lệ tương tự khi DN đánh giá về nhóm giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35/NQ-CP nhằm bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN.

Đáng chú ý, nhóm giải pháp của các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ DN tiếp cận vốn đã nhận được sự đánh giá tích cực của 85% số DN.

Tuy nhiên, cạnh đó vẫn còn những vùng tối trong phát triển DN và tình hình sản xuất kinh doanh.

Trong khi tình hình vốn đăng ký của DN thành lập mới tại tất cả các vùng đều tăng so với cùng kỳ năm trước thì tình hình lao động đăng ký của DN thành lập mới lại có xu hướng giảm.

Các ngành kinh doanh bất động sản có số vốn đăng ký tăng trên 220% và cùng với đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đăng ký số vốn tăng gần 92% so với năm 2015. Điều này có thể cho thấy những dấu hiệu bất đối xứng của nền kinh tế…

Những chuyển động mới tiếp tục lan tỏa

Với một Chính phủ kiến tạo, theo đánh giá của DN, chất lượng các chính sách và quy định pháp lý, thái độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức và công tác phổ biến, giáo dục pháp lý kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể.

Tinh thần phục vụ DN của các bộ, ngành và các UBND tỉnh, thành phố trong nửa cuối năm 2016 so với nửa đầu năm 2016 được cho là có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chuyển biến này ở cán bộ, viên chức cấp dưới dường như chậm hơn so với cấp lãnh đạo bộ, ngành hay lãnh đạo cấp tỉnh.

Có khoảng 42% số DN đã tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm 2016 và 2/3 số DN này tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên. Trong số những DN tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên thì có 5% số DN bị kiểm tra nội dung hoàn toàn giống nhau và 47% số DN bị kiểm tra một số nội dung giống nhau…

Đây cũng có thể là hệ quả của việc có tới 54% DN trả lời khảo sát chưa biết đến Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 để có thể có ý kiến với chính quyền các cấp hạn chế việc thanh tra chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm chỉ thanh tra, kiểm tra tối đa 1 lần/năm đối với DN như Nghị quyết đã nêu.

Năm 2017 sẽ là năm bản lề để thực hiện chương trình hành động của các bộ ngành và cam kết của UBND các tỉnh, thành phố về hỗ trợ DN. Phía trước còn rất nhiều việc phải làm như rà soát chính sách thuế sử dụng đất; đề nghị Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… khơi dậy mọi nguồn lực để tạo điều kiện cho các DN được thành lập phát triển bền vững và mở rộng quy mô, hoạt động hiệu quả.

Các DN cũng cần tích cực hơn trong nắm bắt những chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng hành cũng Chính phủ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

TS. Phạm Thị Thu Hằng

(Tổng Thư ký VCCI)