‘Người lạ’ giữa dàn đồng ca
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một chiều xuân năm 1987, Nguyễn Huy Thiệp cùng chúng tôi vào quán thịt chó ăn mừng “Chảy đi sông ơi” vừa được in trên báo.

Nguyễn Huy Thiệp và họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng, bạn rất thân của ông, đến cơ quan tôi – Tổng công ty Muối ở số 7 Hàng Gà – rủ “đi ăn mừng Chảy đi sông ơi“. Nhuận bút còm 200 đồng, bằng 10 bát phở, tụi tôi quyết định chọn quán thịt chó góc Hàng Gà – Hàng Phèn, vừa bổ dưỡng vừa rẻ tiền.

Hai kẻ tập tọng viết văn, một họa sĩ cũng là nhà nghiên cứu triết học. Cả ba gầy gò, đen đủi, mặt mũi y như gã bơm xe đầu ô cuốc bộ đến quán thịt chó.

Rượu nút lá chuối vừa say, chúng tôi rủ nhau về nhà Hoàng Hưng ở đầu cầu Long Biên để nghỉ trưa. Đến nhà Hưng, tôi thảng thốt nhớ ra. Tôi quên một cặp da đầy tiền của cơ quan vừa bán cái xe ô tô cũ.

“Hai nhăm triệu? Mất là ông đi tù đấy!”, Nguyễn Huy Thiệp kêu lên. Cả ba co cẳng chạy hộc tốc lại quán thịt chó.

Thật may, chiếc cặp vẫn nằm nơi góc bàn. Tôi và Thiệp thở hổn hển mở cặp, những buộc tiền 5.000 đồng đổ òa ra. Thiệp cười khi cả ba vẫn chưa hết mệt, nói: “hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt nhé”.

“Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” ra đời hơn hai năm sau, là một trong những truyện ngắn buồn của Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp mới mất. Không hiểu sao buổi trưa ấy cứ hiện ra trong đầu tôi. Ba khuôn mặt gầy gò, đói nhàu, vừa được dăm đồng nhuận bút còm cho hơi hồng mặt, thì tý nữa tôi gặp cái đại hạn nếu làm mất tiền.

Chao ôi người bạn tôi, văn tài ấy – nhà văn viết cả một chuỗi dài 35 năm nay tạo ra nhiều trước tác như vệt sét xé ngang nền văn học nước Nam này, in khắp nơi trên địa cầu này, vẫn lúng túng đến tận cuối đời về đồng tiền bát gạo.

Tác phẩm của ông in Đông, in Tây, trong Nam ngoài Bắc và ra thế giới, vậy mà tác giả chưa bao giờ được nhuận bút đủ xông xênh để an nhàn mà ngồi viết. Tài năng ấy từ bàn tay chai sạn từng làm nhiều nghề để sống. Hết đi buôn giấy lậu lại mở quán ăn, cho tới tận khi bán một phần đất hương hỏa của cha ông xây nhà cho hai con, ông vẫn đăm đắm về tiền chữa bệnh. Tài khoản lúc đột quỵ lần hai chỉ còn 9 triệu đồng.

Vài lần tâm sự với tôi, ông bảo, làm văn sĩ không được tách rời cuộc sống. Tức là không hoang tưởng, tỉnh táo mà bám sát cái “chân” của thực thể khách quan. Còn một điều lớn khác ông ít bàn tới, chính là hồn cốt riêng của mỗi người làm nghệ thuật.

Cốt cách ấy của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đúng lúc nền văn chương đã nhạt nhòa.

Đất nước những năm cuối thập kỷ 80 trong không khí ngưng trệ và bức bách của đời sống hậu chiến, nhiều người mong mỏi luồng gió mới cả về kinh tế và trong văn học nghệ thuật. Một thời gian dài, văn nghệ sĩ vẫn là dàn đồng ca mà các “giọng hát” từa tựa nhau. Cá tính, bản sắc riêng của nhà văn bị chìm lấp. Văn chương cũng đa số là một chiều, một giọng.

Khi ấy, Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện lần đầu cùng lớp Phùng Gia Lộc, Phạm Thị Hoài. Và, đến tận bây giờ, nếu che tên ông đi, người ta vẫn nhận ra tác giả.

Những câu văn rất ngắn. Đối thoại chát chúa, súc tích, đắt từng từ. Các câu chuyện được diễn ngôn một cách thần kỳ. Ngôn ngữ trần trụi, chợ búa, đời thường được chọn lọc đặt đúng chỗ lên trang giấy. Đôi mắt ông rất sáng, giọng điệu trong từng tác phẩm cũng không thể lẫn vào ai.

Sự khác biệt về giọng điệu không chỉ là hình thức. Nhiều vấn đề của thời cuộc đã định vị Nguyễn Huy Thiệp tách biệt hẳn với “dàn đồng ca” trước đó. Ông lặn sâu xuống tầng đáy của xã hội bức bối và ngột ngạt, nơi cuộc sống trầm luân của nông dân, thợ thuyền, trí thức, binh sĩ còn chua chát, nhiều giá trị băng hoại. Chùm truyện: Những ngọn gió Hua Tát, Tướng về hưu, Muối của rừng, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Chảy đi sông ơi… trong sự đào xới ấy.

Thiệp đi ngược lịch sử, mượn cớ cả ở thượng tầng kiến trúc, vẽ ra ba vệt lớn: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, kêu gọi sự nhìn nhận xã hội, con người không được một chiều. Cũng như thế, ở mảng các nhân vật ước lệ, mượn cớ Trương Chi, Nguyễn Du, Đề Thám… trong huyền tích xưa đề cao cốt lõi nhân văn, cần sự trung thực của con người.

Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng sâu sắc từ triết học Phật giáo. Mặt khác, ông thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt nằm sâu trong những nhân quần lao khổ, bởi ông dầm mình cùng những giai tầng cặn đáy của xã hội trong cuộc đời cũng lận đận, ba chìm bảy nổi của mình. Hết dạy học ở miền núi, tự làm nương phát rẫy trên rẻo cao, đến buôn bán dọc ngang thời bao cấp. Rồi cuối cùng, chôn mình ở xóm Cò, Khương Hạ, Khương Đình, Hà Nội tìm cứu rỗi trong sự viết.

Ông cổ vũ cho Đạo sống, lên án cái lố lăng, đạo đức giả. Nguyễn Huy Thiệp đã làm nên sự ám ảnh cho người đọc, sự thử thách các cây bút đương đại mà khó nhà văn nào sánh được.

Tâm sự với tôi – bạn văn vừa tròn 35 năm, ông không chối từ rằng “mình gặp thời”. Thời đất nước cần ông, văn học nghệ thuật cần đổi mới, cần diện mạo riêng về cả thi pháp lẫn góc nhìn tỉnh táo khác biệt.

Một căn tính đặc biệt trong văn chương, tôi tự hỏi, phải chăng là Trời cho hay vì lao động không ngơi nghỉ đã mài cái tinh túy lộ ra. Nhưng tôi biết chắc chắn, sự xuất chúng của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp đã chảy ra từ trái tim yêu thương tha thiết con người.

Nguyễn Huy Thiệp đi rồi. Một ngôi sao đã tắt trên bầu trời văn học Việt và không biết khi nào chúng ta lại có một ngôi sao sáng khác.

Những viên ngọc sáng không thể lẫn vào trăm ngàn đá cuội. Nếu hôm nay, chúng ta không kiến tạo được một xã hội – trong đó có nền văn chương – khuyến khích các tiếng nói khác biệt, đó là sự mất mát lớn cho một đất nước đang ra rả trọng hiền tài.

Nguyễn Văn Thọ