Những khó khăn trong việc góp ý và nghe góp ý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc Bộ luật Hình sự ngay khi chuẩn bị có hiệu lực thì phải hoãn thi hành vì có đến hơn 90 điều khoản có sai sót một lần nữa lại đặt ra vấn đề về công tác lấy ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đây, Bộ NNPTNT đã từng phải sửa đổi gấp Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT do quy định thời gian bán thịt trong vòng 8 tiếng. Sau đó, tới lượt Bộ Khoa học và Công nghệ phải tạm dừng thi hành Thông tư 20 năm 2014 về nhâp khẩu máy móc cũ.

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp đã quy định thì rõ ràng, chặt chẽ về việc lấy ý kiến, nhưng thực hiện thì sao?

Từ câu hỏi của Phó Chủ nhiệm VPCP

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp nêu, thời điểm có hiệu lực của con dấu không được sớm hơn 3 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được thông báo mẫu dấu. Ngay khi dự thảo được công bố, xin ý kiến, đã có những phản đối rất mạnh mẽ về sự vô lý của điều khoản này. Tuy vậy, trước khi chính thức ban hành, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức một hội nghị để xin ý kiến một lần nữa. Các ý kiến tiếp tục xới lên vấn đề và đặt câu hỏi: Trong khi chúng ta hướng tới coi con dấu không còn quan trọng nữa mà kể từ khi đăng ký kinh doanh xong, làm được con dấu rồi cũng phải chờ 3 ngày mới được dùng, mới được ký hợp đồng thì liệu có ổn?

Ngay lập tức, chủ trì hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã hỏi lại ban soạn thảo về vấn đề này. Cuối cùng, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp sau này được ban hành đã thực sự bỏ điều khoản đó.

Giả dụ, ngày ấy, dù trong các tài liệu đóng góp ý kiến đến tài liệu phục vụ cho hội nghị cũng đã ghi ý kiến đó, nhưng không được nói ra trực tiếp tại hội nghị để thu hút sự chú ý thì không biết là quy định đó có thực sự được bãi bỏ hay không, vì về mặt nguyên tắc, dự thảo Nghị định đó đã vượt qua hết các “cửa ải” cần lấy, cần xin ý kiến, cần thẩm định.

Cái khó của việc góp ý

Công bằng mà nói, tham gia góp ý được cho một dự thảo văn bản pháp luật là một việc khó, bởi người góp ý không chỉ đọc, nắm được nội dung, mà còn phải hiểu biết các văn bản liên quan, từ Hiến pháp, luật, nghị định, thông tư cho tới các hiệp định quốc tế.

Tham gia ý kiến còn có cái khó là có thể bị rơi vào tình trạng “thấy cây mà không thấy rừng”, “thầy bói xem voi” nên không ít ý kiến dù đúng nhưng vẫn có thể không được tiếp thu bởi nó đúng ở góc độ này nhưng lại sai ở góc độ khác, đúng với thiểu số nhưng lại không đúng với đa số, cái cực khó là ở chỗ này. Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được xin ý kiến là một ví dụ, chúng ta rất muốn hỗ trợ họ, nhưng hỗ trợ thế nào để không vi phạm các nguyên tắc quốc tế thì không phải là điều dễ dàng.

Tuy vậy, cần khẳng định rằng không thể vì khó mà không tham giam đóng góp ý kiến, hoàn toàn có thể tham gia theo quan điểm, góc nhìn của mình, còn những người có trách nhiệm lập quy phải dùng khả năng, kiến thức, kỹ thuật lập pháp… để quyết định tiếp thu hay không tiếp thu những ý kiến tham gia.

Có nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn tới những bất cập trong quy định pháp luật, như về nhận thức. Đơn cử, Luật Doanh nghiệp qua các thời kỳ luôn luôn được đánh giá là “viên ngọc sáng nhất” của pháp luật Việt Nam, thế mà Luật Doanh nghiệp năm 2005 lại đưa ra quy định Giám đốc một công ty cổ phần không được làm giám đốc một công ty khác hay Giám đốc và những người khác phải có chứng chỉ hành nghề. Quy định này đã làm khó không biết bao người, bao doanh nghiệp, nhưng mãi đến 10 năm sau, khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời mới sửa được.

Về điểm này, may mắn thay là ngay khi một số luật về kinh doanh tỏ ra bất hợp lý, thì hầu như ngay lập tức, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, VCCI, cộng đồng doanh nghiệp, các luật sư rà soát, tổng hợp để Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi càng sớm càng tốt, không phải chờ đến 10 năm như trước.

Thực tế cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn rất nhiều, tránh tình trạng thấy văn bản vô lý, kìm hãm sự phát triển, thậm chí vô lý, sai “lè lè” nhưng vẫn cố bám lấy với muôn vàn lý do như là văn bản do cấp cao này ký, cấp kia cao hơn ban hành nên không thay đổi được.

Tiếp thu ý kiến cũng không dễ dàng

Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6/2016, Chính phủ yêu cầu cần dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên chỉ đạo, tập trung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành. Thực tế, cần xác định việc xây dựng văn bản pháp quy là một việc rất khó khăn, nhọc nhằn nhưng vô cùng quan trọng, cần có một đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, đầy kiến thức và thực tiễn, giàu tâm huyết và được quan tâm, tạo điều kiện, thậm chí được tôn vinh một cách xứng đáng.

Đơn giản như việc quy định là ban soạn thảo phải nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến đã là một việc cần sự công phu, nghiêm túc và rất trí tuệ. Bởi như thế, ban soạn thảo phải biết được chỗ nào thì cần xin ý kiến nội dung gì để hỏi, để xin ý kiến đúng và trúng cũng đòi hỏi tầm hiểu biết sâu, rộng, bao quát. Đối với những vấn đề chuyên sâu, chuyên môn, cần lấy ý kiến giới chuyên gia, không phải trong chỉ trong lĩnh vực pháp luật, mà cả về kinh tế, lịch sử, xã hội học…

Xin ý kiến đúng đối tượng đã là việc khó, cho ý kiến cũng chẳng phải dễ nhưng tổng hợp ý kiến đóng góp còn khó khăn hơn gấp bội phần, bởi nó không khác gì đãi cát để tìm vàng. Muốn tìm được vàng thì yếu tố quan trọng bậc nhất là phải có cơ cấu ban soạn thảo và tổ biên tập thật sự mạnh, sâu, sắc, sát, phát hiện cho bằng được từng ý tứ có giá trị trong toàn bộ những ý kiến đóng góp có vẻ khô khan. Từ đó sẵn sàng dũng cảm thay đổi cả quan điểm về những vấn đề cụ thể và ngược lại cũng sẵn sàng dũng cảm bảo vệ quan điểm về cái đúng đến cùng.

Lê Xuân Hiền – Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương – Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ