Nông sản không vào chuỗi, đừng mong định hình luật chơi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bên cạnh cơ hội, TPP và các hiệp định thương mại tự do còn đi liền không ít thách thức, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông sản vốn gắn liền với đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân. Trong số các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, cần đặc biệt quan tâm giải pháp phát triển chuỗi cung ứng nông sản.

Đây là một trong những điểm yếu của chúng ta khi hội nhập kinh tế thế giới và cũng là điểm mấu chốt quan trọng để nâng cao khả năng hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Bởi xu thế hiện nay là ngày càng có khả năng bên mua quy định tiêu chuẩn cho cả chuỗi. Ví dụ, CP Group của Thái Lan, họ chuyển từ sản xuất sang bán lẻ do bị chuỗi bán lẻ đặt ra các quy định và họ đang thử nghiệm để nâng cao chất lượng, giá trị của chuỗi cung ứng. Việt Nam tuy đã đạt tiến bộ trong ngành chế biến nông sản, nhưng ở các khâu sau lại còn rất nhiều việc phải làm.

Nói cách khác, muốn tham gia định hình “luật chơi” và trở thành nhà cung ứng nông sản đã chế biến quan trọng cho thế giới. Việt Nam bắt buộc phải phát triển chuỗi cung ứng.

Chuỗi cung ứng không còn là vấn đề mới mẻ trên thế giới nhưng vẫn chưa được áp dụng nhiều ở nước ta. Vậy cần giải pháp cụ thể nào để phát triển chuỗi cung ứng nông sản? Trên cơ sở nghiên cứu, tác giả xin đề xuất một số giải pháp như sau:

1. Đầu tư sâu cho công nghệ sau thu hoạch

Trước mắt, cần khuyến khích đầu tư các cơ sở chế biến và bảo quản nông sản tại các chợ đầu mối nông sản. Hệ thống sơ chế, chế biến và kho bảo quản này phải bảo đảm đạt các tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point-tức “hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn”) hay BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc thiết lập – British Retailer Consortium). Đây sẽ là nơi tập trung thu mua, phân loại, chế biến và phân phối nông sản phục vụ cho xuất khẩu lẫn nội tiêu.

Về mặt vĩ mô, cần nhập khẩu cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về  một số công nghệ, chất bảo quản sau thu hoạch của các nước có nền nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến như: Mỹ, Úc, Canada…để chuyển giao cho các doanh nghiệp chuyên về bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm khắc phục ngay điểm yếu của ngành chế biến nông sản và nâng cao khả năng xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước TPP.

2. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm:

Đây là hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm được sử dụng khá rộng rãi tại các nước phát triển. Hệ thống này cho biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, cách thức sản phẩm được sản xuất ra cũng như  đường đi của sản phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Hệ thống này tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm sản phẩm, giúp các thành viên kiểm tra các khâu trong chuỗi cung ứng, đề phòng và phát hiện các rủi ro có thể xảy ra trong từng khâu vận hành của chuỗi, giải đáp nhanh và đạt độ tin cậy khi có bất kỳ sự cố nào có liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng.  

3. Đào tạo và huấn luyện đội ngũ nhân lực đáp ứng sự thay đổi của thị trường và yêu cầu của khách hàng

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong chuỗi cung ứng, cần xây dựng đội ngũ nhân viên có kỹ năng xúc tiến thương mại và ngoại ngữ để chủ động trong việc tiếp xúc khách hàng và tiến hành các hoạt động giao dịch.

Ngoài ra, kỹ năng về ngoại ngữ và hiểu biết về luật pháp của các thị trường mục tiêu cũng là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư khi xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang các nước.

Sử dụng mạng lưới chuyên gia và cộng tác viên, sử dụng các chuyên gia tình nguyện từ các tổ chức quốc tế (Nhật, Hà Lan…) để tranh thủ học hỏi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của họ.

4.  Tiếp cận và mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước

Tính bền vững và ổn định của chuỗi chỉ có thể đạt được khi có được quan hệ tốt với hệ thống phân phối hoặc có được thị trường tiêu thụ ổn định. Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực thâm nhập, tiếp cận, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm, tìm người đại diện bán hàng tốt vào thị trường xuất khẩu, tổ chức tốt hệ thống phân phối sản phẩm, đặc biệt là hệ thống bán lẻ, tăng cường thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà nhập khẩu, giảm bớt việc xuất khẩu qua trung gian …; tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước hoặc tham gia các hội chợ nước ngoài…

5. Phát triển các dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp

Các doanh nghiệp/ hợp tác xã cần nghiên cứu để cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như: Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ đầu vào sản xuất, dịch vụ về vốn sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đào tạo, tư vấn kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, dịch vụ bảo hiểm sản xuất nông nghiệp; dịch vụ tư vấn xây dựng thương hiệu nông sản, dịch vụ hỗ trợ cho xuất khẩu, dịch vụ tư vấn nhập hàng nông sản, hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ tư vấn xúc tiến thương mại, dịch vụ cung cấp thông tin thị trường và các yêu cầu tiếp cận thị trường xuất khẩu, đăng ký nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuê, quyền tác giả (nếu có).

Cần nghiên cứu và triển khai các chính sách để khuyến khích xây dựng trung tâm đấu giá nông sản, phát triển lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp nhằm tạo sự an tâm trong người sản xuất cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã, ngoài ra, còn tạo thuận lợi cho sự gắn kết của các mắt xích trong chuỗi cung ứng nông sản.

6. Xây dựng thương hiệu nông sản

Cần lưu ý 3 nội dung quan trọng. Về chất lượng, phải được kiểm soát nghiêm ngặt, mang tính ổn định. Về tính an toàn, phải được kiểm soát với những tiêu chí cho sản phẩm an toàn, được chứng minh. Về thông tin, cần những thông tin rõ ràng, ngắn gọn về nguồn gốc sản phẩm, các lợi ích mà người tiêu dùng có thể có được khi sử dụng sản phẩm…

Các sản phẩm cần được xây dựng thương hiệu theo hướng chuyên nghiệp, hỗ trợ về công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp chủ lực, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về tổng thể, các giải pháp nói trên cần được thực hiện một cách đồng bộ, theo nguyên lý vết dầu loang tức làm từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, cần làm tốt và lấy hiệu quả kinh tế làm động lực chính chứ không phải chạy theo hình thức, phong trào để lấy thành tích.

Trong giai đoạn đầu, vai trò nhà nước cũng như các viện, trường có ý nghĩa và tác động quan trọng trong việc hình thành và duy trì các thành viên trong chuỗi cung ứng thông qua các chính sách, các hỗ trợ kỹ thuật và thị trường. Sau đó, sẽ giảm dần các hỗ trợ về tài chính, chỉ còn các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, về xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.

Dần dần, các chuỗi sẽ được hình thành và vận hành theo hướng tự giác, dựa trên hiệu quả kinh tế và sự hợp tác tự nguyện giữa các thành viên. Điều này sẽ phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta cũng như xu thế phát triển chuỗi cung ứng trên thế giới, giúp nước ta hội nhập nhanh và tốt hơn, tận dụng được nhiều hơn các cơ hội khi tham gia vào TPP.

ThS Từ Minh Thiện – Phó Trưởng Ban BQL Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ