Quyền lực của video
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có một thời gian tôi cảm thấy thế giới đầy chán chường, và YouTube là một lối thoát.

Mỗi ngày tôi xem hàng chục video trên YouTube, từ phim truyền hình đến phim điện ảnh, từ “Đường lên đỉnh Olympia” cho đến các gameshow, nghe Boléro. Tôi chìm vào giấc ngủ khi điện thoại vẫn phát video để ngay bên tai. Trong những lúc chờ đợi hồi âm xử lý công việc, ăn cơm, thậm chí vào nhà vệ sinh, chiếc điện thoại luôn bên người, hơn cả người thân nhất.

Tôi xem những nội dung từ chuyên ngành tôi nghiên cứu, ô tô xe máy, sửa chữa thiết bị gia dụng cho đến du lịch, bóng đá, các mối quan hệ, kiếm tiền và làm giàu… Hầu hết các chủ đề tôi từng quan tâm hay tìm kiếm đều tự động được YouTube phát nối tiếp nhau, hết video này đến video khác.

Tôi không thể biết được thuật toán của YouTube dắt tôi đi đến đâu, nếu không tự dừng lại. Một ngày cuối tháng 10, không khí Halloween tràn ngập Internet, thằng nhóc nhà tôi bỗng hét lên sợ hãi lúc đang ngồi xem phim hoạt hình. Tivi xuất hiện video hướng dẫn hóa trang kinh dị cho ngày Halloween nhưng lại quá đáng sợ với tuổi lên hai. Dĩ nhiên con tôi không lường trước được các video tự động phát của YouTube có gì. Giấc ngủ hôm ấy của cậu bé cũng thấp thỏm. Rồi hôm sau, cô con gái 6 tuổi của tôi khi được nhắc nhở rằng tránh chạm vào các thiết bị điện đã hỏi: “mèo Tom bị điện giật bao nhiêu lần mà chỉ xù lông chứ có chết đâu?”

Tôi giật mình nhận ra, con tôi đã học rất nhiều trên Youtube. Thời lượng chúng được phép ngồi trước màn hình đã tăng nhiều lần từ cuối tháng 10, khi dịch Covid-19 tái bùng phát dữ dội ở Pháp – nơi gia đình tôi đang sống. Tất cả phải tuân lệnh phong tỏa toàn quốc của chính quyền. Các hoạt động ngoài trời của bọn trẻ bị hạn chế tối đa. Chúng cần những hoạt động thay thế và YouTube là lựa chọn tuyệt vời cho cha mẹ. Vợ tôi còn hào hứng khoe, con trai tôi vừa biết nói “cảm ơn” bằng tiếng Anh, cu cậu còn có thể nhại giai điệu và nhún nhảy như nhân vật trong một clip. Tất cả là nhờ YouTube.

Với hai tỷ người dùng trung bình hàng tháng, hơn 500 giờ video được tải lên mỗi phút, YouTube thuộc các nền tảng có lưu lượng truy cập cao nhất toàn cầu. Nhưng không chỉ YouTube, bất kỳ ai kết nối Internet đều có thể xem đủ mọi thể loại video trên nhiều trang web và mạng xã hội khác.

Phía sau sự thống trị của thời đại video là thuật toán của nó. Thuật toán đang điều khiển hầu hết người dùng Internet. Nó quyết định video nào xuất hiện trên màn hình trước mặt bạn, và cái gì sẽ hiện ra sau nút nhấn “tiếp theo”. Thuật toán can thiệp hơn 70% thời gian của người dùng trên YouTube, theo một bài viết của Bloomberg.

Đứng sau các thuật toán và các video tưởng như miễn phí này là thế lực kinh tế. Nó là một mô hình kinh doanh mà các video càng gây chú ý càng được thưởng nhiều hơn bằng tiền, doanh thu quảng cáo và sự nổi tiếng. Thế lực này lái người dùng đi theo những con đường được cá nhân hóa để giữ cho mắt họ dán vào màn hình càng lâu càng tốt. Trong cuộc phỏng vấn năm 2017, một giám đốc điều hành của YouTube cho biết thuật toán mới có khả năng thu hút người dùng sâu hơn vào nền tảng bằng cách tìm ra “mối quan hệ liền kề” giữa các video mà con người sẽ không bao giờ xác định được. Trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán ngày càng tinh vi được thiết kế để tối đa hóa mức độ tương tác của người dùng theo thời gian, khiến họ xem không chỉ một mà còn nhiều video khác. Nó là một cỗ máy gây nghiện cho bộ não người. Mỗi giờ chúng ta xem YouTube là thêm các đô la doanh thu nhảy vào túi họ. Hành vi của ta sẽ được dẫn dắt theo hướng có lợi cho doanh thu.

Mặc dù đại diện các nền tảng truyền thông xã hội tuyên bố họ có các quy định cấm ngôn từ kích động, thù địch và quấy rối, thông tin giả và các thuyết âm mưu cũng như sự trung lập trong nội dung. Nhưng quả thật, ảnh hưởng của các video xấu không dừng lại. Em bé năm tuổi ở Tân Phú, TP HCM mới mất mạng do treo cổ theo video trên YouTube, bốn em nhỏ nướng cóc ăn và bị ngộ độc, nam sinh phải cắt tay vì học chế pháo theo YouTube… rất nhiều ví dụ.

Vấn đề của câu chuyện theo tôi nằm ở ba yếu tố chính, trách nhiệm của đơn vị vận hành các nền tảng, hành vi của chính phủ và sự quyết định của người dùng.

Thứ nhất, trách nhiệm của đơn vị vận hành các nền tảng hay thuật toán đến đâu, họ sẽ làm gì? bản thân mỗi người dùng chúng ta không thể tự trả lời.

Internet là một không gian không có đường biên, người sản xuất nội dung và sử dụng Internet lại là những thực thể vật lý cụ thể và chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật nước sở tại. Do đó, thứ hai, về phía nhà nước, luật pháp và các quy định đối với doanh nghiệp và người sản xuất nội dung đẩy lên các nền tảng đã đến lúc tiếp tục được bổ sung chi tiết và có tính dự báo cáo hơn. Pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể những sản phẩm văn hóa bị cấm lưu hành bao gồm văn hóa phẩm đồi trụy hay kích động bạo lực cũng như cổ súy các hành vi vi phạm pháp luật. Anh tôi thích xem các video hài, tôi lại thấy rất hời hợt nên coi chúng là “nhảm”. Ngược lại, tôi thích nghe và chia sẻ các video nhạc Boléro nhưng anh bạn “fan cứng” nhạc cổ điển lại thắc mắc “sao lại thích các clip nhảm thế”. Do đó, “nhảm” hay không còn tùy cách nghĩ của người nào. Song, ít nhất tôi mong pháp luật mạnh tay và kịp thời hơn với các nội dung đi ngược sự tiến bộ của xã hội, gây suy thoái văn hóa và các giá trị đạo đức, dù cho “nhảm” hay “kiểm duyệt” tới đâu là những khái niệm phải hạ hồi phân giải.

Thứ ba, đừng quên một phần quan trọng của thế giới ảo đang được quyết định bởi chính chúng ta – những con người thật. Video này bổ ích hay video kia xấu sẽ được quyết định bởi chính mỗi người, mỗi gia đình. Nếu người lớn không cầm điện thoại và xem video cả ngày thì trẻ con làm sao bắt chước? Nếu người lớn không cho trẻ quyền tự do được truy cập các nền tảng và mạng xã hội thì làm sao trẻ có thể tự xem các video “nấu cháo gà nguyên lông” hay dạy treo cổ?

Võ Nhật Vinh