Sống cùng bất định
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bạn có đồng ý nhận mỗi tháng 30%-50% thu nhập để hạn chế ra ngoài, không tụ tập, gặp mặt bạn bè, người thân mãi hay không?

Đây là câu hỏi được nhiều người tranh luận sôi nổi khi Nhật Bản, nơi tôi đang sống và làm việc, đối mặt lần đầu với dịch Covid-19 vào thời điểm này năm ngoái. Trong số các khuyến cáo chống Covid-19 tại nước này có câu “hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết hoặc không gấp”. Tuy nhiên, thế nào là “không cần thiết” và “không gấp” thì còn bất nhất.

Trong những tháng đầu tiên, tình hình tuân thủ khuyến cáo khá tốt. Những tin tức về tỷ lệ tử vong và biến chứng do Covid-19 khiến mọi người đều muốn chung tay ngăn chặn dịch.

Tuy nhiên, nhiều người sau đó bắt đầu quan tâm tới cụm từ “không cần thiết” và “không gấp”. Đối với một số người, nếu không tiếp tục công việc ngay, sợi dây mỏng manh duy trì sinh kế của gia đình sẽ thực sự đứt gãy.

Một số khảo sát cho thấy tỷ lệ người bị giảm thu nhập, thất nghiệp, phá sản bắt đầu tăng. Tỷ lệ người xin trợ cấp xã hội đã tăng gần 25% so với năm trước. Bệnh viện của tôi liên tục tiếp nhận những ca không phải Covid-19 nhưng chuyển nặng do chẩn đoán và can thiệp muộn, một phần vì hết hạn thẻ bảo hiểm và tâm lý “chờ hết Covid”. Xu hướng mắc trầm cảm, căng thẳng, dẫn tới tự sát vì lý do kinh tế cũng đã được báo cáo tại Nhật.

Những người dễ bệnh tật, tử vong khi mắc Covid-19 là người “yếu thế” về mặt y khoa. Nhưng những người phải tạm dừng kế sinh nhai vốn đã bấp bênh cũng “yếu thế” về mặt xã hội. Yếu thế về mặt xã hội lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới yếu thế về y khoa.

Các nhà quản lý chính sách tại Nhật Bản vẫn đang đau đầu vì chiến lược ứng phó với Covid-19, bởi nó không còn là sự đánh đổi giữa sinh mạng và kinh tế. Về lâu dài, nó đang trở thành sự đánh đổi giữa sinh mạng và các sinh mạng khác.

Covid-19 còn mang lại một tình trạng nguy hiểm khác chưa được gọi tên. Đó là sự coi trọng những giá trị đạo đức mới nổi. Hành vi nào giúp giảm nguy cơ lây nhiễm đều được cho là “tốt”. Những hành động làm tăng nguy cơ lây nhiễm đều được cho là “xấu”.

Đương nhiên, ai cũng muốn ngăn chặn “vỡ trận” trong bệnh viện, bảo vệ người già yếu và giảm thiểu thương vong do Covid-19. Nhưng có những lúc, vì mục tiêu “chống dịch” mà vô hình trung, hành động và suy nghĩ thường nhật của chúng ta như đang bị quy kết thành hai nhóm tốt – xấu. Nguy hại hơn, những việc được cho là “tốt” như hạn chế quyền tự do di chuyển, cho phép theo dõi sự riêng tư lại được nhiều người ủng hộ với quan điểm “không nói nhiều, vì đây là khẩn cấp”.

Phòng chống Covid-19 hiển nhiên là việc quan trọng. Nhưng chúng ta có sẵn lòng đánh đổi những giá trị mà thông thường ta không trao cho ai như quyền tự do di chuyển, gặp gỡ người thân, sự riêng tư, quyền làm việc và kết nối xã hội?

Nếu chỉ là cố gắng trong vài tuần, vài tháng, tôi nghĩ nhiều người sẽ làm được. Nhưng vấn đề ở cuộc chiến này là chưa chắc dịch bệnh sẽ tiêu biến sớm. Nó có thể kéo dài vài năm, thậm chí mãi mãi hay quay trở lại theo mùa. Khi đó, những điều chúng ta hy sinh ví như “quyền riêng tư” có thể sẽ được coi là tiền lệ để chấp nhận mãi mãi? Lúc này, tôi chắc nhiều người cũng chưa có sẵn câu trả lời thoả đáng.

Tôi đã gặp một số bệnh nhân lớn tuổi sống trong khu dưỡng lão trở nên lú lẫn sau một năm trời không được gặp người thân do “chưa hết Covid”. Nhiều đồng nghiệp của tôi bị căng thẳng vì hơn một năm gần như không đi ăn tiệm, không đi chơi, gặp gỡ ai ngoài bệnh viện, chỉ vì họ là nhân viên y tế và “chưa hết Covid”. Trên nhiều phương diện, chiến lược cách ly để phòng Covid đang “gặm nhấm” chất lượng cuộc sống.

Mặc dù ta bắt buộc phải chọn lựa và không có lựa chọn nào tốt hoàn toàn. Song, bên cạnh câu hỏi làm sao để ngăn chặn dịch bệnh, tôi cho rằng còn một câu hỏi quan trọng khác: làm sao để mọi người đều được sống có chất lượng với những biến số mới? Thay vì đè nén, loại trừ những giá trị cũ, đã đến lúc ta nghĩ cách dung hòa bình thường cũ và bình thường mới, với góc nhìn thoáng hơn.

Chính phủ các nước đều đang cân nhắc tìm lối ra để khởi động lại nền kinh tế và sinh hoạt của dân chúng trong tinh thần “sống lâu với dịch”. Kể cả có vaccine, nguy cơ mắc bệnh vẫn luôn hiện hữu với loài người. Ở tương lai đó, Việt Nam vẫn phải duy trì khuyến cáo 5K và chấp nhận những thay đổi dù phiền phức.

Nhưng sống cùng nguy cơ là một phần của cuộc sống. Tâm lý “chờ hết Covid” có lẽ không còn thích hợp ở năm thứ hai của dịch bệnh. Tôi mong tâm lý ấy sẽ được xóa tan trong các chính sách, luật lệ, hành động chống dịch của chính quyền, cũng như trong từng người dân.

Phạm Nguyên Quý