Sống khác đi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bạn có hai lựa chọn: sở hữu mọi thứ nhưng vẫn thấy trống rỗng hay tự tin về giá trị bản thân dù đôi khi cơ hàn.

Tôi đã trò chuyện với nhiều người như một phần công việc của mình, đến giờ nghĩ lại tôi khá xấu hổ vì đã hỏi nhiều câu rất vớ vẩn. Một cuộc phỏng vấn tôi nhớ mãi với vị CEO ngân hàng. Chúng tôi nói về nguy cơ sụt giảm tài sản trong một đợt khủng hoảng kinh tế tương tự Covid-19 bây giờ.

“Ôi dào, ai cứ rêu rao cống hiến chứ bọn anh sợ nhất tài sản bị giảm và đóng thuế”, ông thẳng thừng. Danh sách các nỗi sợ rất dài: sợ các khoản đầu tư không sinh lời, sợ nhà nước đánh thuế tiền gửi, tăng thuế thu nhập, sợ sứt mẻ danh tiếng, sức khỏe sa sút, sợ tiền tươi không về nữa, sợ không được mọi người chú ý và thừa nhận.

Ông dường như chỉ thoải mái nếu đi đến tận cùng của vấn đề: “Thời buổi này, ít nhất em phải có nhà, có con xe trông đàng hoàng, lâu lâu phải lên báo, em đi đâu nói người ta mới tin. Còn đến tầm nào đó, em làm cá lớn ở nước sâu, đó là chuyện sau này”.

Ông chia nhân viên thành hai nhóm cơ bản, đối xử theo hai cách: nhóm “thực dụng”, vốn xác định cống hiến theo thu nhập được trả sẽ đàm phán ngay từ đầu rõ ràng, anh làm ra từng này, tôi trả anh từng này. Câu họ vẫn nói là “lương nhiêu làm nhiêu, ngu gì làm nhiều, để thời gian làm việc khác”. Muốn giao thêm việc, công ty phải tăng lương, quyền lợi đi kèm. Tiền hết tình tan, nói chung quan hệ khá sòng phẳng.

Nhóm thứ hai, bên cạnh thu nhập còn có lý tưởng. Họ ham mê công việc, tự hào vì cảm giác được cống hiến, làm điều gì có kết quả tích cực và vui. Với những người này, ngoài mức lương, công ty tạo cơ hội cùng họ chia sẻ các giá trị khác như niềm vui tạo ra sự thay đổi trong công việc, các kế hoạch tương lai, cùng tham gia các hoạt động thể thao, giúp đỡ cộng đồng, tạo nhóm cùng học điều mới. Cũng có nhóm lai giữa hai nhóm này, nhưng nhìn chung phải tùy người mà đối đãi.

Tôi bảo em thấy thế cứ giả dối thế nào. “Ôi giời, báo chí các cô lắm chuyện lắm. Bản chất cuộc đời này không là lợi ích thì là gì”, ông trông thực sự nghiêm túc. Khối người chả bao giờ dám thừa nhận tôi ham tiền, tôi cần vật chất, tôi chỉ làm nếu có lợi.

Không phải vị CEO “phũ phàng” không có lý. Chúng ta, từ khi có ý thức, nếu tham gia vào mọi mối quan hệ, chọn công việc, đưa ra một quyết định đều vô thức dựa trên một nguyên lý của sự thiệt – hơn. “Thuyết trao đổi xã hội” cho rằng con người tham gia vào các quan hệ nói chung dựa trên suy tính về lợi ích giữa chi phí tinh thần và vật chất họ sẽ phải bỏ ra.

Ta có xu hướng chọn những “thương vụ” mà ở đó chi phí là tối thiểu trong khi lợi ích là tối đa, từ hẹn hò đến mua đất, lần lượt diễn ra trong suốt cuộc đời mình. Nhưng mặt khác, trong sự đắn đo, chân ta vướng vào hội chứng sợ bị bỏ lỡ. Nếu một tháng nay ta không vào mạng, nhỡ có gì hay mà ta không biết thì sao. Nếu không có nổi cái nhà tầm tầm, cái ô tô, cái bằng thạc sỹ, nếu không lấy vợ, chồng, đẻ con, xây nhà như mọi người, đời ta không chừng hỏng bét.

Tôi từng tham gia báo cáo khảo sát của một tổ chức nước ngoài, câu trả lời của hơn 10 nghìn người ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ thổ lộ những thay đổi làm họ lo lắng nhất trong cuộc đời lần lượt là: không lấy được vợ, chồng; không đủ tiền như mong muốn; không có hay mất việc; bị thương tật; mắc bệnh; ly hôn; mất người thân; không mua được tài sản lớn để gia nhập nhóm trung lưu hoặc thượng lưu trong xã hội.

Họ đều mong muốn có đủ tài sản và được biết đến, được xã hội thừa nhận, có người coi cuộc đời thành công phải nổi tiếng. Các kỳ vọng không thành đều khiến họ bất ổn, thiếu an toàn về tương lai, chịu nhiều áp lực hơn về tài chính, lo lắng hơn, kém tự tin, thậm chí hoang mang về bản thân và ít tự do hơn.

Có một công thức phổ quát được ngầm quy định nếu bạn không muốn rơi vào trạng thái “bị bỏ lại”: học, lấy bằng cấp, đi làm, kiếm tiền, lấy chồng, vợ, mua nhà, mua xe, đạt đến vị trí x,y, rồi lại nuôi con vào đại học, nghỉ hưu và chăm chỉ tập thể dục, lâu lâu du lịch và ngắm hoàng hôn. Trình tự ấy là thước đo cho số đông, đôi khi được dùng để phán xét cả người khác.

“Thế anh hỏi em nhớ, thực dụng có gì là sai? Em thành công, em nói gì cũng đúng. Vì thế mà đầy người sẵn sàng trả giá đấy thôi”, vị CEO ngân hàng đã hỏi tôi một câu khó.

Nhưng tôi cũng gặp nhiều người không thể áp dụng quy tắc “trao đổi lợi ích” ấy để lý giải hành động của họ. Họ hành động mà tôi không thể tìm được điều kiện hành động là gì – thậm chí khiến cho mọi nỗ lực luận giải động cơ đều trở nên lố bịch. Người vẫn góp vài trăm nghìn trong đồng lương công chức cho các nhân vật không lên báo của tôi; những người đang nuôi hàng chục đứa trẻ mồ côi; những bà soeur chiều tối đi lùng bọn trẻ con thất học kéo về lớp tình thương, nhiều bộ đội hy sinh tình riêng, lặng lẽ ăn núi ngủ rừng canh giữ vùng biên tổ quốc; cả những đại gia xỏ dép tông, đi xe Dream cũ ở Sài Gòn, Tết nào cũng bỏ ra hàng tỷ đồng đi phát quà cho người nghèo, vẫn “cấm” tôi được đưa ông lên báo.

Ta vẫn thấy những người chỉ hành động có điều kiện, chọn dễ dàng thay vì vất vả, không mấy khi quan tâm “gian khổ sẽ dành phần ai”, song cũng thấy những người đã chọn gian khổ, sống khác đi. Trong rất nhiều người tốt thực sự tôi được gặp, họ không hề đắn đo giữa thiệt hơn, tin rằng việc mình đang làm chắc chắn cần phải làm và hành động không điều kiện. Họ tin rằng vì điều mình đang làm rất cần cho ai đó, nên ta ở đây để làm việc này.

Tôi cũng thấy tinh thần ấy trong hành động của thiếu tướng Nguyễn Văn Man, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình và các cộng sự của họ khi quyết định đi tới thuỷ điện Rào Trăng 3.

Tôi tin có bao nhiêu người trên trái đất này thì có bấy nhiêu khái niệm về cuộc sống, về sự hài lòng. Hạnh phúc với tôi là được dồn năng lượng cho những việc mình tin là cần và đúng, sẵn sàng và không hối tiếc. Nếu chiếu theo góc nhìn đó, tôi tin những người đã đi vào giấc ngủ dài mãi mãi ở Trạm kiểm lâm 67, giờ này họ đang mỉm cười.

Hồng Phúc