Trẻ tự kỷ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lần đầu tiên vào lớp, Hiếu chào cô bằng một cú đấm vào mặt khiến tôi chảy máu mũi.

Mẹ cháu luống cuống chạy vào, mếu máo xin lỗi tôi. Gương mặt chị hằn lên nỗi thất vọng ghê gớm. Chị vén ống tay áo lên rồi chỉ cho tôi những vết sẹo chằng chịt: “Cháu cắn đấy cô ạ. Một tuổi cháu bắt đầu cắn áo, sau đó là cắn bố mẹ”.

Tôi lặng người. Lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ ràng nỗi đau tận cùng của người mẹ có con mắc chứng tự kỷ. Buổi học hôm đó không diễn ra thuận lợi, nhưng tôi quyết tâm bước vào thế giới của Hiếu.

“Cà tặc, cà tặc, cà tặc”, những âm thanh vô nghĩa đó cứ lặp đi lặp lại trong cả tiết học của cậu bé bốn tuổi. Cậu là học sinh đầu tiên trong nghề dạy trẻ tự kỷ của tôi. Đó là năm 2014, tôi dạy ở lớp học dành cho học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ tại thành phố Móng Cái.

Buổi học sau đó, tôi dắt Hiếu ra công viên, cháu vẫn luôn miệng “cà tặc, cà tặc, cà tặc”. Thỉnh thoảng, có người nhìn chằm chằm vào chúng tôi: “Con em bị thần kinh à?”. Tôi đã nhìn họ với ánh mặt giận dữ, nhưng tôi cảm thấy bất lực hơn là muốn phân bua.

Hiếu ra chỗ đông người là bịt tai, cháu không chấp nhận những âm thanh từ còi xe đến tiếng ồn ào của người đi đường. Tôi cho Hiếu đeo tai nghe. Cháu cười thích thú. Đó là nụ cười đầu tiên của thằng bé ở trường.

Một hôm, cháu vừa bước vào lớp đã nằm lăn xuống đất nhìn cánh quạt quay. Miệng vẫn bi bô “cà tặc”. Tôi cũng nằm cạnh và nhại theo những âm thanh ngôn ngữ của thằng bé. Hiếu quay sang nhìn tôi, mắt mở to, như thể cháu nhận ra người quen. Tôi đã khóc vì vui sướng.

Cứ như thế, tôi giao tiếp với cậu học trò mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nặng bằng tiếng “cà tặc”. Mỗi buổi học tôi đều cố gắng nói chuyện với cậu bé bằng ánh mắt. Tôi làm mọi hành động tưởng như điên rồ để cậu chú ý đến gương mặt mình. Dù không nói ra được từ có nghĩa nào, nhưng Hiếu vẫn cảm nhận được sự quan tâm của cô giáo. Cậu bé không còn đề phòng tôi, ngược lại, chủ động dắt tay tôi vào phòng học.

Năm đó, tôi hai mươi tư tuổi và chưa làm mẹ. Chính Hiếu đã giúp tôi biết yêu thương như một người mẹ.

Dù vậy, Hiếu không tiến triển nhiều như tôi và gia đình mong đợi. Cháu vẫn không có ngôn ngữ nói. Những hành động kỳ quặc không mất đi. Nó chỉ chuyển từ hành vi này sang hành vi khác. Chỉ là không tệ hơn.

Cho đến bây giờ, sau nhiều năm xa Hiếu, trong tâm trí tôi vẫn không thôi ám ảnh vì những điều mình chưa làm được cho em.

Dạy trẻ tự kỷ là một hành trình dài đầy gian nan. Hành trình ấy có cả máu và nước mắt.

Đối với trẻ phát triển bình thường, ta có thể chỉ cần dạy một vài lần là em nhớ. Nhưng với người tự kỷ, giáo viên phải dạy hàng trăm lần, thậm chí nhiều hơn nữa. Không ít trường hợp, dù có nhắc đi nhắc lại “đây là con cá”, “cá” theo bất cứ phương pháp nào, trẻ tự kỷ vẫn không thể nói được.

Đó là sự thật phũ phàng mà những ai làm chuyên ngành giáo dục đặc biệt đều gặp phải. Những giáo viên như tôi, dù đã được huấn luyện kỹ năng, vẫn luôn gặp thất bại trong việc bước vào thế giới của trẻ.

Tự kỷ không phải bệnh, nó là một dạng rối loạn phát triển thần kinh. Đặc trưng điển hình là những khiếm khuyết của trẻ về giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi định hình lặp đi lặp lại. Từ trong bụng mẹ em đã có mầm mống của rối loạn mà y học chưa thể phát hiện sớm.

Hiện có một số phương pháp dạy trẻ tự kỷ có kiểm chứng khoa học phổ biến trên toàn thế giới như phương pháp phân tích hành vi ứng dụng ABA, floor time, phương pháp tăng cường và thay thế cho lời nói AAC… Những phương pháp này được chứng minh giúp trẻ tự kỷ có những thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, không có phương pháp nào vạn năng với mọi trẻ tự kỷ. Điều đặc biệt quan trọng là trẻ phải được phát hiện sớm và can thiệp tích cực. Phụ huynh, người thân phải tham gia thường xuyên vào quá trình dạy trẻ.

Trong những năm trở lại đây, số trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng gia tăng. Trung bình trong 100 trẻ sơ sinh có một đến hai trẻ mắc chứng tự kỷ. Trong khi tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục công lập cho trẻ tự kỷ chưa có. Các cơ sở tư nhân đã ra đời song còn nhiều hạn chế về nhân lực, vật lực, phương pháp giáo dục. Hầu hết các em tự kỷ theo học tại các trung tâm tư thục với chi phí không phải gia đình nào cũng có thể cáng đáng. Rất nhiều trẻ tự kỷ phải lay lắt ở nhà.

Dù các giáo viên giáo dục chuyên biệt vẫn nỗ lực hằng ngày để học trò của mình có thể hòa nhập phần nào với xã hội. Nhưng thực tế vô cùng khó khăn. Không ít lần, tôi phải chứng kiến ánh nhìn, lời nói thiếu thiện cảm với người tự kỷ.

Có người từng ghé vào tai tôi hỏi nhỏ: “Có phải do bố mẹ chúng nó không quan tâm không?” hoặc “tự kỷ có phải bệnh thần kinh không?”. Câu trả lời của tôi luôn là “không”. Nhiều giải thích của tôi sau đó trở nên rất khó hiểu với họ.

Có lẽ xuất phát từ thực tế đó, trong tháng tư này, Liên hợp quốc đã lấy ngày 2 là ngày “Thế giới nhận thức chứng tự kỷ” nhằm kêu gọi nhân loại chia sẻ và chấp nhận người tự kỷ.

Với chiến lược giáo dục quốc gia của Việt Nam, tôi vẫn hy vọng càng sớm càng tốt, trên đất nước ta có những trường công lập dành riêng cho trẻ tự kỷ. Bởi hiện nay, một số trẻ tự kỷ có thể được nhận vào trường dành cho trẻ khuyết tật, gồm các loại khuyết tật cả thể chất và trí tuệ, nhưng hầu hết phương pháp giáo dục với nhóm trẻ khuyết tật nói chung không hiệu quả với trẻ tự kỷ. Nhiều gia đình tìm mọi cách gửi đứa con tự kỷ của mình vào trường cốt chỉ lấy một chỗ đưa đi đón về.

Là một giáo viên nhiều năm làm việc với trẻ tự kỷ, tôi luôn luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp ở các em. Các em rất tình cảm, khát khao được yêu thương và tương tác xã hội, khát khao hạnh phúc. Chỉ có điều em bị nhốt trong một “nhà tù” – chính là cơ thể mình. Nó ngăn em sống như người khác.

Tự kỷ không phải dấu chấm hết cho một cuộc đời. Trừ phi tất cả chúng ta, những người bình thường, nhất quyết quay lưng với người tự kỷ.

Lường Thị Ngân