Nguồn lực phục hồi kinh tế sau đại dịch và thẩm quyền của Quốc hội 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Ngày mai, 27.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì cuộc tọa đàm đầu tiên của Quốc hội Khóa XV để tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội, đặc biệt là về các vấn đề phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang cần sự quyết đáp của Quốc hội. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm cuộc tọa đàm quan trọng này, TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu 3 giải pháp lớn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội để tạo nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu phục hồi nền kinh tế.

Cần chủ động chấp nhận tăng bội chi ngân sách, nợ công

– Dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư đến nay đã và đang tác động nghiêm trọng về mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội. Theo ông, điều hành vĩ mô những tháng cuối năm nay và trong vài năm tới cần lưu ý những vấn đề gì?

Thời gian qua, Quốc hội đã chủ động vào cuộc sớm với Chính phủ và xử lý nhanh, kịp thời nhiều vấn đề cấp bách trong điều hành kinh tế – xã hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp vừa qua. Là cơ quan đại diện cao nhất cho người dân cả nước, tôi mong muốn Quốc hội sẽ chủ động hơn nữa, có những việc qua lắng nghe ý kiến người dân, qua phản ánh của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương hay qua tham vấn chuyên gia, các cơ quan của Quốc hội, Quốc hội có thể chủ động chỉ ra vấn đề, “đặt hàng” với Chính phủ, yêu cầu Chính phủ phải xử lý nhanh hơn. Đại dịch Covid-19 là “phép thử” với tất cả chúng ta. Có những quy định của pháp luật là đúng đắn, hợp lý trong điều kiện bình thường nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì không phù hợp nữa mà đòi hỏi phải có sự điều chỉnh hết sức linh hoạt. Do đó, vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề mang tính chất đặc thù, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng.

TS. Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ

Tôi cho rằng, 4 tháng còn lại của năm 2021 là vô cùng khó khăn. Các dự báo đều cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nền kinh tế sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn trong ít nhất một năm tới trước khi có thể quay trở lại trạng thái như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Vì thế, kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô phải được xây dựng chi tiết tới từng quý, hoặc ít nhất cũng là nửa năm để thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh. Thực tế hiện nay cho thấy, không thể tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội trên diện rộng như tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam được nữa vì sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp và cả nguồn lực của Trung ương cũng như các địa phương đều có hạn.

Điều hành chính sách vĩ mô vẫn cần dựa trên các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh nhưng cần chuyển cách tiếp cận dựa trên số ca nhiễm, tử vong sang xem xét cùng với tỷ trọng người dân đã tiêm đủ 1 – 2 mũi vaccine so với tỷ lệ đủ đạt miễn dịch cộng đồng. Các địa phương đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 với tỷ lệ trên 70 – 80% người trưởng thành cần nhanh chóng tổ chức lại các hoạt động kinh tế – xã hội, đặt mục tiêu sau 6 tháng đến dưới một năm phải đạt được mức hoạt động kinh tế bình thường và phục hồi mức tăng trưởng trước đại dịch. Các quyết định bất kỳ về giãn cách, dù là nới lỏng hay siết chặt, ngoài việc phải dựa vào dữ liệu dịch tễ thì cần có “dự lệnh” trước để người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để thích nghi.

Tiêm chủng vaccine vẫn là “chìa khóa” để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động của đại dịch. Cùng với các nỗ lực tìm kiếm, gia tăng nguồn cung vaccine từ bên ngoài, cần có chính sách đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước bởi chỉ khi nào tự chủ được vaccine thì chúng ta mới có thể đưa nền kinh tế – xã hội về điều kiện “bình thường mới”. Trong bối cảnh đặc thù này, Quốc hội cần phát huy vai trò đặt hàng và giám sát đối với quy trình sản xuất vaccine để đồng hành với Chính phủ, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân.

Trong điều kiện vaccine vẫn thiếu như hiện nay, cần thống nhất và quán triệt nguyên tắc ưu tiên phân bổ, triển khai tiêm vaccine tại các địa phương vừa qua và trong thời gian tới để giảm thiểu áp lực cho ngành y tế, đưa các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, cần ưu tiên các địa phương lân cận với các địa phương đã có tỷ lệ tiêm cao (cũng là các trung tâm kinh tế của cả nước) để tạo lập các vùng kinh tế có mức miễn dịch cộng đồng cao, tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế trên phạm vi rộng hơn. Khi đạt được các điều kiện này, các chính sách phòng, chống dịch và phát triển kinh tế cần được xây dựng có tính liên thông giữa các tỉnh, các vùng kinh tế.

– Sau 2 năm ứng phó với đại dịch, nguồn lực quốc gia cũng đang gặp nhiều khó khăn. Một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần chấp nhận tăng bội chi ngân sách và tăng mức nợ công, nợ Chính phủ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– Với diễn biến dịch bệnh và tiến độ tiêm vaccine như hiện nay, dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng 2 năm tới là giai đoạn phải đặt trọng tâm vào phục hồi nền kinh tế. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để phục hồi sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đòi hỏi phải huy động, sử dụng các nguồn lực rất lớn, đồng thời kết hợp với tái cơ cấu nền kinh tế. Trong khi đó, nguồn lực quốc gia trong 2 năm vừa qua chủ yếu đã được dành cho công tác chống dịch. Nguồn lực của doanh nghiệp và người dân cũng ngày càng kiệt quệ sau hai năm ứng phó với dịch bệnh.

Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có chấp nhận nới bội chi ngân sách nhà nước hay không? Cần nhìn bội chi ngân sách trong từng năm hay phải nhìn tổng thể dài hơi hơn trong cả 5 năm để điều hành linh hoạt hơn? Trong tình huống khó khăn hiện nay, tôi cho rằng, cần chủ động chấp nhận bội chi ngân sách nhà nước cao hơn, mức nợ công và nợ Chính phủ cao hơn trong giai đoạn 2021 – 2023 thì mới bảo đảm được nguồn lực cho chống dịch, ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh và chuẩn bị các tiền đề cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2024 – 2025.

Cần nghiên cứu phát hành trái phiếu Covid

 – Đầu tuần tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ trực tiếp chủ trì cuộc tọa đàm chuyên gia đầu tiên của Quốc hội Khóa XV về kinh tế – xã hội. Từ góc độ chuyên gia, ông có đề xuất gì với Quốc hội?

– Tôi cho rằng, Quốc hội cần thảo luận và thống nhất trọng tâm ưu tiên của năm 2022 – 2023 sẽ là khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19 và phục hồi nền kinh tế, chuẩn bị các điều kiện để có thể quay về mức tăng trưởng như trước khi đại dịch bùng phát. Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội xác định đến hết ngày 30.6.2022 cơ bản đạt được 70% người từ 18 – 65 tuổi được tiêm vaccine. Khi đã thống nhất như vậy thì Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ báo cáo và cùng nhau trả lời câu hỏi: Nguồn lực ở đâu để phục hồi nền kinh tế?

– Vậy theo ông, nguồn lực ở đâu để phục hồi nền kinh tế? Và Quốc hội cần làm gì để hỗ trợ, đồng hành với Chính phủ?

– Theo tôi có 3 vấn đề thuộc thẩm quyền mà Quốc hội cần xem xét và quyết định. Một là, huy động vốn từ chuyển nguồn ngân sách trung ương gần 600.000 tỷ đồng của năm 2019 và năm 2020. Quốc hội có thể xem xét giao cho Chính phủ chủ động sử dụng nguồn vốn này theo hướng: giao một nửa số này cho Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn qua thị trường 2 cho các ngân hàng thương mại cổ phần với giá rẻ. Các ngân hàng thương mại sẽ dùng nguồn vốn này làm “vốn mồi” cho các doanh nghiệp vay với lãi suất rẻ để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó khôi phục nền kinh tế. Ở đây có một vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công, vì Luật này không cho phép chuyển nguồn như vậy. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội thì chúng ta có thể xem xét, ban hành chính sách này vì đây là trường hợp đặc biệt, đặc thù cần được áp dụng các quy định khác với luật hiện hành nếu mang lại hiệu quả trong tình huống cấp bách hiện nay. Với chính sách này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước giám sát các ngân hàng thương mại; các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, những doanh nghiệp nào nằm trong Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp mà có tính lan tỏa, sử dụng nhiều lao động thì được ưu tiên vay khoản vốn từ chính sách này.

Hai là, Chính phủ nghiên cứu phát hành trái phiếu Covid để tái cơ cấu nền kinh tế, huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư lớn của Nhà nước, bao gồm các dự án đầu tư công và tài trợ vốn cho các doanh nghiệp đầu đàn thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo đặt hàng của Nhà nước. Ở đây, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân mà chỉ cần doanh nghiệp đó có dự án bảo đảm được các tiêu chí như: tự chủ về công nghệ cao, tiệm cận với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới; sử dụng nhiều lao động và nguyên vật liệu sản xuất trong nước; đủ lớn về quy mô và đủ rộng về tính liên kết để tạo tính lan tỏa cao tới các ngành sản xuất của doanh nghiệp và hoạt động tiêu dùng của người dân; gắn với mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội. Trái phiếu này sẽ phát hành theo hình thức có tên dự án đầu tư ngay để “nuôi dưỡng” các lực lượng sản xuất. Bên cạnh đó, cũng có thể nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu Covid gắn với các mục tiêu về môi trường, y tế và xã hội vì các quỹ đầu tư trên thế giới đang có xu hướng tăng tỷ trọng phân bổ vốn đầu tư vào các trái phiếu cho mục đích này.

Và như vậy, Quốc hội cần xem xét, quyết định việc có chấp nhận bội chi ngân sách sẽ tăng, thậm chí có thể sẽ vượt so với Nghị quyết của Quốc hội giao nhưng là tăng trong 2 – 3 năm đầu và giảm dần ở những năm cuối hay không? Bội chi ngân sách tăng cũng sẽ tác động đến nhiều chỉ tiêu vĩ mô quan trọng khác, do đó cần có sự quyết đáp của Quốc hội.

Ba là, có cơ chế đặc thù để sử dụng, phát huy nguồn lực cực kỳ lớn lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng vốn tài sản và 1,42 triệu tỷ đồng vốn của doanh nghiệp nhà nước. Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng cho phép Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được huy động vốn của các tập đoàn, tổng công ty để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác trong điều kiện hiện nay.

– Xin cảm ơn ông!