2021 – Tầm nhìn và tư duy mới cho phát triển của đất nước 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Khi cuốn lịch năm 2020 lật dở những tờ cuối cùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN dành cho phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, tờ báo mà Ông vẫn thân thiết gọi là “báo nhà”, cuộc trao đổi thân tình. Trong căn phòng làm việc giản dị, ấm cúng, Ông nói rằng, 2020 là năm đầy khó khăn, thử thách, cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đối mặt với đại dịch chưa từng có trong lịch sử nhân loại, khiến các nền kinh tế rơi vào tình trạng “tự cấm vận” một cách bất khả kháng. Bước sang năm 2021, dẫu còn đó không ít khó khăn, thử thách, nhưng Ông tin tưởng và kỳ vọng: Việc tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, kỷ niệm Quốc hội Việt Nam tròn 75 năm, sẽ mở ra tầm nhìn và tư duy mới cho sự phát triển của đất nước.

Nền kinh tế thay đổi cả về lượng và chất

-Thưa Phó Chủ tịch, đất nước ta vừa bước qua năm 2020 với nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhìn lại việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, kết quả lớn nhất đạt được là gì, thưa Phó Chủ tịch?

– Kết quả lớn nhất, theo tôi, đó là trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội, nền kinh tế nước ta đã có sự thay đổi rất căn bản, đó là thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Nếu như trước đây, chúng ta “quảng canh” là chủ yếu, thì bây giờ là “thâm canh”.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Ảnh: Trung Thành

Năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng. Đại hội XIII của Đảng sẽ mở ra tầm nhìn cho 25 năm tới với niềm tin và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng đó cho chúng ta niềm tin vào những đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ kế tục tốt hơn, nổi trội hơn 14 nhiệm kỳ đã qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Nhìn ngay ở lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta không phải nền nông nghiệp chạy theo số lượng nữa mà đã chú trọng đến chất lượng, tập trung phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh – sạch và đầu tư cho những sản phẩm có thể xuất khẩu. Nếu trước đây, nông nghiệp nước ta chủ yếu là gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy hải sản…, thì bây giờ rau, củ, quả đang dần trở thành thế mạnh. Đơn cử với mặt hàng truyền thống là gạo, thay vì chất lượng thấp và xuất sang những thị trường đại trà, nay chúng ta chú trọng bảo đảm chất lượng cao để vào những thị trường rất khó tính. Ví dụ như thế để thấy đó chính là sự thay đổi rất căn bản, chuyển từ số lượng sang chất lượng, lấy hiệu quả làm chính.

Đương nhiên, chỗ này, chỗ kia vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại, khiến chúng ta chưa hài lòng. Nhưng thực tế để thay đổi ngay trong một sớm, một chiều thì rất khó, vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thị trường, con người… Và rõ ràng, không còn là khẩu hiệu nữa, mà chúng ta thực sự đang đi theo năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Quan trọng hơn, cùng với sự thay đổi căn bản đó, chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức. Còn nhớ, thời điểm cuối nhiệm kỳ Khóa XIII, vấn đề khiến chúng ta lúc nào cũng lo lắng là nợ công, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, nhưng rõ ràng 4 năm qua, nợ công, nợ Chính phủ và cơ cấu nợ đều giảm. CPI có những năm xuống dưới 3% và chưa năm nào vượt qua mục tiêu 4% Quốc hội giao.

Một vài kết quả nổi bật đó để khẳng định rằng, nền kinh tế nước ta đã có sự thay đổi về lượng và chất. Khu vực và thế giới nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam đang dần tiến tới tốp đầu, hiện đã vượt Singapore về quy mô nền kinh tế…

– Căn cốt của sự thay đổi đó là gì, thưa Phó Chủ tịch?

– Nếu nhìn nhận sự phát triển theo nhiệm kỳ, thì rõ ràng, mỗi nhiệm kỳ chúng ta đều thấy kinh tế – xã hội đất nước có những sự thay đổi rất căn bản. Sự thay đổi đó không đơn thuần chỉ là những con số và chỉ tiêu đạt được, mà quan trọng nhất ở đây là sự thay đổi về tầm nhìn, tư duy kinh tế. Như chúng ta đều biết, thay đổi tư duy là thay đổi khó nhất. Thậm chí, người ta ví rằng, nếu tư duy không thay đổi, thì như “đá đeo chân”, không nhấc nổi. Sự thay đổi này cũng không chỉ từ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý mà phải đến từ mỗi doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, từng người dân. Và từ tư duy đến hành động, chúng ta đều có sự thay đổi để tiếp tục đổi mới tiến lên.

– Trong những thành quả chung của đất nước, vai trò của Quốc hội thể hiện như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

– Hệ thống chính trị của chúng ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Trên cơ sở các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các cấp, các ngành cụ thể hóa và triển khai thực hiện, đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Quốc hội xây dựng cơ sở hành lang pháp lý và đưa ra những quyết định đúng đắn, tối ưu nhất để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Và đây là căn cứ để Chính phủ triển khai thực hiện. Nếu không có căn cứ đúng, không có pháp luật đúng, không có quyết sách đúng, không có kiểm tra, giám sát một cách sát sao thì khó có thể nói tổ chức thực hiện đúng đắn, tạo sự phát triển. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cũng là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, với Chính phủ. Quốc hội vững vàng, cầu nối chắc chắn thì chuyển tải được tất cả chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật để Chính phủ tổ chức thực hiện. Điều này khẳng định vai trò, trách nhiệm quan trọng của Quốc hội. Không phải như trước đây có ý kiến nói rằng Quốc hội chỉ hình thức, không thực chất, không thực quyền. Thực tế cho thấy, Quốc hội ngày càng thể hiện rõ là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do cử tri và Nhân dân bầu ra, thực hiện đầy đủ, đúng quyền lực theo quy định của Hiến pháp.

75 năm Quốc hội Việt Nam – chúng ta đủ độ chín và vững vàng

– Đất nước ta bước sang năm 2021 – năm mở đầu cho thập kỷ mới, với dấu mốc rất quan trọng ngay trong tháng 1 này, đó là Đại hội XIII của Đảng với nhiều quyết đáp quan trọng mang tính định hướng, tầm nhìn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. Phó Chủ tịch kỳ vọng gì ở dấu mốc này?

– Năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta bước vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030) và cũng là lần đầu tiên chúng ta mở ra một “cánh cửa” với tầm nhìn đến năm 2045 (thời điểm 100 năm thành lập Nước). Cho nên, năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng – năm mở ra “cánh cửa” với tầm nhìn rộng hơn, dài hơn và sâu hơn. Đây cũng là năm đặt nền móng cho tầm nhìn đó trên cơ sở những nền tảng chúng ta đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua. Quyết sách của Đảng tại Đại hội XIII sẽ mở ra một giai đoạn mới, một vị thế và tầm cao mới cho sự phát triển của đất nước.

Khi Đại hội XIII thông qua Nghị quyết, có Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045, thì không ai khác, Quốc hội là cơ quan phải chuyển tải, cụ thể hóa Nghị quyết, kế hoạch, chiến lược đó thành pháp luật, thành nghị quyết, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện. Tại Kỳ họp thứ Mười (cuối năm 2020), các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, và cho ý kiến bước đầu về dự kiến các mục tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, các kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua một Nghị quyết cho kế hoạch 10 năm tới, đó là Nghị quyết chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Như vậy, có thể thấy, Quốc hội khóa XIV đã đặt những nền móng, chuẩn bị “nguyên liệu” đầy đủ để sau Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội Khóa XV sẽ có cơ sở để xem xét, quyết định.

Cho nên, năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng – vừa mở ra “cánh cửa” cho sự phát triển của đất nước với tầm nhìn xa, vừa là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ.

– Thưa Phó Chủ tịch, vài ngày nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm tròn 75 năm Quốc hội Việt Nam. Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, kể từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến nay, trải qua 14 nhiệm kỳ, hoạt động của Quốc hội là dòng chảy liên tục, có sự kế thừa, đổi mới và phát triển. Với cá nhân Phó Chủ tịch, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào?

– Lịch sử luôn đặt ra cho mỗi giai đoạn, cho từng thế hệ những người được trao sứ mệnh gánh vác trọng trách khác nhau. Nếu hình dung những giai đoạn trước, chúng ta có những thế hệ dựng nước, giữ nước, xây nền đắp móng, thì những thế hệ tiếp sau là những người tiếp nối “xây lâu đài” phồn vinh và hạnh phúc.

Nhìn lại sự phát triển của đất nước ta nói chung và 75 năm Quốc hội Việt Nam nói riêng, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Chúng ta từng có những giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ, “thù trong, giặc ngoài”, bị lệ thuộc kinh tế từ bên ngoài, một nước nông nghiệp mà không đủ gạo ăn. Giai đoạn đó khiến chúng ta thấm thía hơn rằng, với một nền kinh tế thì điều đầu tiên quan trọng nhất là ấm no, hạnh phúc, là sự độc lập về kinh tế. Thứ hai là phải độc lập về chủ quyền, về tư duy. Thứ ba, như sinh thời Bác Hồ từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Và hướng đến Đại hội XIII của Đảng, kế tục tư tưởng này trong dự thảo Văn kiện, Đảng ta đề cập đến “hạnh phúc” với tầm cao mới: “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là bước ngoặt rất lớn về tầm vóc và vị thế của nước ta. Tầm vóc và vị thế đó xuất phát từ sức mạnh của độc lập dân tộc, của ý chí vươn lên của dân tộc. Với Quốc hội, 75 năm qua chính là nền tảng để chúng ta hướng tới tầm nhìn và khát vọng tương lai.

Chúng ta đã mất 30 năm để đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; 10 năm bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam và khắc phục hậu quả chiến tranh; 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đến thời điểm hiện nay, tôi cho rằng, chúng ta đã đủ độ chín và vững vàng. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về 75 năm trưởng thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Ngay từ những lúc vô cùng gian khó, cử tri và Nhân dân càng nhận thức rõ hơn và có ý thức tham gia chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền. Vấn đề chính trị được Nhân dân quan tâm trở thành hơi thở cuộc sống. Trước thềm Đại hội, dư luận nói rằng, bây giờ toàn dân làm nhân sự – tôi cho đấy cũng là điều bình thường, đương nhiên, chứng tỏ người dân quan tâm đến chính trị, đến Đảng và tổ chức bộ máy nhà nước, với mong muốn Đại hội Đảng phải đưa ra được chủ trương, quyết sách đúng đắn, phải chọn ra được tập thể và con người ưu tú nhất để lãnh đạo đất nước tiếp tục tiến lên. Nếu người dân chẳng nói gì mới là điều đáng lưu tâm. Ở đây tôi nhìn thấy có sự thay đổi về tư duy.

-Trong không khí của những ngày đầu năm mới 2021, chuẩn bị đón Tết nguyên đán Tân Sửu, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng mùa xuân thường mang tới niềm tin và hy vọng mới. Phó Chủ tịch dự cảm như thế nào về 365 ngày sắp tới?

– Cần nhận thức rõ rằng, trong năm 2021 và 2022, chắc chắn chúng ta sẽ còn khó khăn. Thông thường, sau một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới phải mất 3 năm để phục hồi. Thậm chí, có giai đoạn khủng hoảng xảy ra năm 2008 và đến năm 2013 – 2014 mới phục hồi trở lại bình thường. Cho nên, trong bối cảnh chưa có vaccine phòng, chống Covid-19, chưa mở cửa đón khách du lịch, trao đổi hàng hóa bình thường, thì năm 2021 và 2022, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% mà Quốc hội giao đòi hỏi sự phấn đấu rất quyết liệt.

Theo quan niệm phương Đông, 2021 là năm Tân Sửu – con trâu có sức vóc, chưa đủ tuổi trưởng thành, làm gì cũng phải lượng sức mình và phải rất khôn khéo. Lượng sức mình để phát triển. Những năm có chữ “Tân” thường mang đến hy vọng, nhưng cũng là năm của làm việc cật lực không biết mệt mỏi. Tôi tin tưởng, với nền tảng chúng ta tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, năm 2021 sẽ mở ra tầm nhìn và tư duy mới.