Bảo đảm tiến độ, chất lượng các kế hoạch trung hạn 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tại Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Đây là những nội dung quan trọng, có tính nền tảng cho cả nhiệm kỳ. Trước lo ngại về tiến độ chuẩn bị tài liệu cho nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị các báo cáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV theo đúng quy định.

Cần rất khẩn trương

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Điều 17 của Luật Ngân sách Nhà nước quy định kế hoạch tài chính 5 năm là cơ sở để Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn. Điều 38 của Luật Đất đai quy định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội là một trong những căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội cũng phải quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 trước khi quyết định hai kế hoạch đầu tư công trung hạn và sử dụng đất quốc gia của cùng giai đoạn này.

Tuy nhiên, thời gian từ nay đến tháng 7 (thời điểm dự kiến diễn ra Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV) còn rất ngắn. Hơn nữa, các cơ quan trong hệ thống chính trị đang tập trung vào công tác chuẩn bị bầu cử. Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại, việc chuẩn bị các báo cáo không bảo đảm kịp tiến độ để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất. Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV đã xem xét kết quả thực hiện ba kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 là phát triển kinh tế – xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; đồng thời, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự kiến các kế hoạch về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đây là điểm thuận lợi để Quốc hội Khóa XV tiếp tục xem xét, quyết định ba kế hoạch này. Tuy nhiên, trong trường hợp không kịp chuẩn bị các nội dung này, có ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho chuyển các kế hoạch 5 năm sang trình Quốc hội Khóa XV xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai, diễn ra vào tháng 10.2021. 

Tại Phiên họp thứ 55 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, việc Quốc hội xem xét, quyết định các kế hoạch cho 5 năm tới là vấn đề rất lớn, mang tính nền tảng cho nhiệm kỳ mới nên phải chuẩn bị thật kỹ nội dung này. Đồng ý về chủ trương nếu việc chuẩn bị các nội dung này không bảo đảm chu đáo, chặt chẽ, đầy đủ thì có thể chuyển sang trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, song Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, “vẫn tốt hơn nếu Quốc hội quyết định vấn đề này ngay trong Kỳ họp thứ Nhất”. 

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 55 về tiến độ chuẩn bị tài liệu cho nội dung này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ phải trình Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ trong tháng 4, để sau đó trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị vào tháng 6.2021 để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất của nhiệm kỳ Khóa XV. Nếu trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV mà không thông qua được ba kế hoạch trung hạn này cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công trung hạn. Bởi lẽ, Quốc hội yêu cầu phải ban hành xong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì những dự án đầu tư trọng điểm mới trong năm 2021 mới khởi động được. Do đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, Chính phủ cũng rất quyết tâm để trình được ba nội dung này ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất theo đúng quy định của pháp luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, nếu Chính phủ quyết tâm làm thì phải làm rất khẩn trương và bảo đảm các nguyên tắc. 

Bố trí đủ thời gian

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ dành 4 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số nội dung, trong đó có các kế hoạch kinh tế – xã hội, tài chính, đầu tư công trung hạn 5 năm. 

Do sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia Quốc hội, trong khi kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế – xã hội, tài chính, đầu tư công… đều là những vấn đề khó và phức tạp nên cần có thời gian để đại biểu tiếp cận, nghiên cứu và thảo luận. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần bố trí thời gian hợp lý để Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề này, đặc biệt là kế hoạch tài chính 5 năm vì liên quan đến tỷ lệ điều tiết, các nguồn cân đối, bội chi ngân sách… Sau khi Quốc hội tương đối thống nhất có ý kiến về nội dung này rồi thì cần bố trí thời gian để các cơ quan kịp thời điều chỉnh hợp lý và trình lại Quốc hội. 

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phải tuân thủ quy định của pháp luật về việc Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia. Điểm thuận lợi là Quốc hội Khóa XIV đã thảo luận các kế hoạch 5 năm gồm đầu tư công trung hạn, phát triển kinh tế – xã hội và tài chính tại Kỳ họp thứ Mười để các cơ quan của Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện. Vì thế, dứt khoát phải đưa các nội dung này vào chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. “Quy trình xử lý các văn kiện cũng rất quan trọng, phải được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu xem xét và có kết luận. Các cơ quan của Quốc hội cùng vào cuộc sớm thì chúng ta mới có chất lượng báo cáo thẩm tra tốt, làm chỗ dựa cho đại biểu Quốc hội quyết định”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.