Bảo hiểm tiền gửi nên là một định chế độc lập
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần hoạt động độc lập, minh bạch và có trách nhiệm giải trình và độc lập với những ảnh hưởng không mong muốn về chính trị và các ngành khác” – Đây là một trong số những nguyên tắc cốt lõi phát triển hệ thống BHTG hiệu quả được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) đưa ra. Theo đó, hiện nay, trên thế giới có hơn 100 quốc gia có hệ thống BHTG và hầu hết đều là một tổ chức độc lập và không trực thuộc ngân hàng Trung ương.

Còn ở nước ta, theo dự thảo Luật BHTG vừa được trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, thì tổ chức BHTG do Ngân hàng nhà nước thành lập và quản lý Nhà nước với mục đích đảm bảo sự an toàn và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Tại phiên thảo luận về dự luật này vào ngày 11.11 vừa qua, nhiều ĐBQH cho rằng, quy định này có thể dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khiến NHNN “ôm đồm” quá nhiều việc. Nhiều ý kiến đề nghị: Luật cần tạo hành lang pháp lý độc lập cho tổ chức BHTG trong việc thực hiện chính sách BHTG. Theo đó, tổ chức BHTG do Chính phủ thành lập, không phải là đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng: “BHTG nên trực thuộc Chính phủ, không nên thuộc NHNN. Tổ chức BHTG là bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ an toàn lành mạnh hệ thống ngân hàng. Tổ chức BHTG phải có chức năng giám sát nhằm đảm bảo minh bạch, công khai trách nhiệm, ngăn ngừa bảo lãnh ngầm, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”. Đồng quan điểm này, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhấn mạnh: đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập, NHNN quản lý hoạt động nghiệp vụ với ba lý do: trước đây tổ chức BHTG Việt Nam là do Chính phủ thành lập, hoạt động độc lập so với NHNN. Nếu thuộc NHNN phải có tổng kết đánh giá. Mô hình tổ chức độc lập làm tăng cường niềm tin, giảm rủi ro đạo đức, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước khi xử lý tổ chức tín dụng phá sản”.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phân tích: “Quản lý nhà nước đề xuất như dự thảo làm vai trò quản lý và ý nghĩa của tổ chức BHTG giảm đi, khiến NHNN là cơ quan phải giải quyết nhiều mục tiêu cùng một lúc, mâu thuẫn về mục tiêu và lợi ích khó đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc và có xu hướng phải sử dụng tiền thuế của người dân”. Các ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi)… đều có chung quan điểm là: tổ chức BHTG phải là tổ chức độc lập, định chế công phi lợi nhuận của Nhà nước, không thể là đơn vị trực thuộc NHNN…

BHTG nên tổ chức theo mô hình nào? Theo thống kê đánh giá, BHTG đã phát triển qua 3 mô hình: mô hình chi trả, mô hình chi trả với quyền mở rộng và mô hình giảm thiểu rủi ro. Trong đó, mang lại hiệu quả nhất hiện nay là mô hình giảm thiểu rủi ro được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều ĐBQH khi thảo luận về dự luật này.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng: mô hình chi trả là mô hình chỉ áp dụng ở các nước kém phát triển. Mô hình giảm thiểu rủi ro rất phổ biến, với chức năng giám sát. Mô hình chúng ta hiện nay, hướng tới mô hình giảm thiểu rủi ro. Trong dự thảo, mô hình chúng ta chọn là mô hình chi trả mở rộng, có nghĩa là hạ thấp so với mô hình hiện hành. Theo lập luận của Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội cần giữ nguyên như mô hình hiện nay tôi cho là phù hợp. Hội đồng thẩm định đã có khuyến nghị “tiếp tục mô hình hiện nay”. Để đảm bảo hiệu quả, có đời sống Luật dài hơi hơn, đề nghị ban soạn thảo làm rõ kiến nghị đã được UBKT nêu lên…

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) và La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cũng cho rằng: tổ chức BHTG Việt Nam cần thiết kế theo mô hình giảm thiểu rủi ro để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời một số đại biểu cũng kiến nghị tổ chức BHTG cần có chức năng kiểm tra, giám sát tổ chức tham gia BHTG để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Thúy Sen
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân