Bất cập sau 3 năm thi hành Luật Công chứng sẽ được sửa đổi như thế nào ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng bắt buộc

Theo thống kê của Bộ Tư pháp cả nước hiện có khoảng 800 công chứng viên (CCV) hoạt động hầu khắp ở 63 tỉnh, thành. Số lượng CCV này dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới. Chính vì thế những quy định liên quan đến CCV, chất lượng hành nghề, việc bổ nhiệm, các trường hợp được miễn đào tạo, miễn tập sự đang là vấn đề nóng của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động công chứng.

Điều 13 của Luật Công chứng quy định các trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng. Tuy nhiên, trên thực tế người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng rất đa dạng, ví dụ như sau khi nghỉ hưu một thời gian dài, một số đối tượng mới đề nghị bổ nhiệm là CCV, đến thời điểm đề nghị bổ nhiệm tuổi đã cao hoặc khoảng thời gian thôi giữ các chức danh tư pháp đến thời điểm đề nghị bổ nhiệm làm CCV cách xa quá lâu, các kiến thức về nghiệp vụ đã bị mai một. Trong khi đó, việc hành nghề công chứng đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, minh mẫn đồng thời phải cập nhật, nắm bắt thường xuyên các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công chứng và phải có chuyên môn nghiệp vụ sâu.

Đại diện Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cho rằng, mỗi người hoạt động trong một lĩnh vực khác nhau và có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực đó, chẳng hạn điều tra viên về hình sự thì chỉ chuyên về lĩnh vực đó, trong khi đó công chứng viên chuyên nghiệp thì đòi hỏi kỹ năng riêng. Hơn nữa, công chứng là một nghề đặc thù, thay mặt Nhà nước xác lập các giao dịch dân sự nên đòi hỏi cần được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, trước và sau khi được bổ nhiệm thì đều cần được bồi dưỡng nghiệp vụ.

Từ thực tế này, dự thảo đã quy định: người đề nghị bổ nhiệm là CCV phải có đủ sức khỏe để hành nghề và không quá 65 tuổi khi đề nghị bổ nhiệm (Điều 2); người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng trong trường hợp đã là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư hành nghề trên 3 năm trở lên, thì thời gian thôi giữ các chức danh nêu trên phải liền kề với thời điểm đề nghị bổ nhiệm làm công chứng viên là không quá 3 năm (Điều 3).

Liên quan đến những quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng là việc bồi dưỡng nghiệp vụ nghề. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các Sở Tư pháp địa phương – cơ quan quản lý trực tiếp các hoạt động công chứng, CCV, Văn phòng công chứng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng tinh thần của Luật Công chứng quy định một số trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng là nhằm khuyến khích việc phát triển Văn phòng công chứng trong thời gian đầu thực hiện xã hội hóa công chứng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy chất lượng CCV được bổ nhiệm từ nguồn đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng là rất thấp do chưa được đào tạo về kỹ năng công chứng. Do đó trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng thì việc quy định bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng bắt buộc đối với đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng là cần thiết.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng Bùi Đình Hiện chia sẻ quy định những người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng trước khi bổ nhiệm làm CCV phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng là phù hợp với thực tế. Coi thời gian tham gia lớp bồi dưỡng là thời gian chuyển đổi về tư duy, nhận thức của người đề nghị bổ nhiệm trước khi hành nghề công chứng; đồng thời nâng cao được mặt bằng chung của CCV trong cả nước tiến tới việc chuyên nghiệp hóa hoạt động này.

Văn phòng công chứng: tuân thủ quy hoạch

So với Luật Công chứng và Nghị định 02/2008 thì dự thảo Nghị định này có những quy định mới liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng. Theo đó, việc thành lập Văn phòng công chứng phải tuân theo quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng của Việt Nam đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong từng giai đoạn và giao cho Bộ Tư pháp ban hành các tiêu chí lựa chọn hồ sơ cấp phép thành lập Văn phòng công chứng. Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho rằng quy định này nhằm bảo đảm việc thành lập, phát triển mạng lưới Văn phòng công chứng hợp lý, phù hợp với điều kiện KT-XH và nhu cầu công chứng trong từng giai đoạn của địa phương, vùng miền.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay còn có khá nhiều địa phương chưa có quy hoạch riêng, chính vì thế để bảo đảm cho quy định này có tính khả thi thì cần đẩy mạnh việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các văn phòng công chứng tại những địa phương chưa xây dựng được quy hoạch.

Liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng còn có những quy định mới khác như quy định về cung cấp thông tin, dữ liệu công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản (Điều 17); tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên. Cung cấp thông tin, dữ liệu công chứng hợp đồng, giao dịch bất động sản phục vụ cho việc công chứng hợp đồng, giao dịch là vấn đề rất cần thiết trong hoạt động công chứng, không chỉ bảo đảm an toàn toàn cho đội ngũ công chứng viên mà còn phòng chống rủi ro cho cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch bất động sản. Thông tin, dữ liệu công chứng này có thể thực hiện qua 2 kênh, giữa các tổ chức hành nghề công chứng và giữa tổ chức hành nghề công chứng với Văn phòng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào quy củ cần có một quy chế cung cấp thông tin; quy chế này không chỉ quy định trách nhiệm thu thập, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động công chứng nói chung mà cần phải quy định được quyền được khai thác; đồng thời để bảo đảm được tính liên thông thì quy chế này phải là sự phối hơp giữa UBND các tỉnh, thành phố và Sở Tài nguyên – Môi trường.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Công chứng liên quan đến tiêu chuẩn CCV, các vấn đề liên quan đến thủ tục bổ nhiệm CCV, phạm vi hành nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng được xây dưng trên tinh thần tiếp thu những quy định còn phù hợp của Nghị định số 02/2008 hiện hành và sửa đổi, hướng dẫn bổ sung những vấn đề mới hoặc chưa rõ, chưa cụ thể. Tuy nhiên, xung quanh dự thảo Nghị định này còn có nhiều vấn đề cần phải được xem xét thêm trong khi chúng ta chưa tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng như: giải quyết các trường hợp công chứng viên trong Văn phòng công chứng 1 thành viên bị mất năng lực hành vi, năng lực hành vi bị hạn chế; hoặc bị chết; giáo trình bồi dưỡng nghiệp vụ như thế nào để phù hợp với yêu cầu của việc hành nghề công chứng với những giao dịch ngày càng đa dạng, phong phú; việc thành lập Hội xã hội – nghề nghiệp cho những người hành nghề công chứng…

Phùng Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân