Bất cập từ Luật An toàn thực phẩm ảnh hưởng đến XNK hàng hóa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

100% lô hàng phải kiểm tra ATTP

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng, qua khảo sát của đơn vị đối với 240 doanh nghiệp và hiệp hội về kiểm tra chuyên ngành, các doanh nghiệp phản ánh khá nhiều xung quanh những bất cập về kiểm tra an toàn thực phẩm. Khoản 1b Điều 38 của Luật ATTP quy định: “Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải được cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng của các cơ quan kiểm tra được chỉ định”. Điều này có nghĩa là 100% lô hàng thuộc các nhóm hàng trên đều phải thực hiện kiểm tra ATTP mà không được áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, gây nên áp lực rất lớn cho các cơ quan thực thi; kết quả kiểm tra phát hiện rất ít trường hợp vi phạm gây lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của kiểm tra ATTP là để phát hiện và ngăn chặn những thực phẩm có chứa những thành phần và/hoặc nhiễm vi khuẩn, vi sinh gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng con người. Thế nhưng việc kiểm tra ATTP một số nhóm hàng hiện nay, ngoài việc kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP còn phải thực hiện kiểm tra các thành phần theo công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP – những chỉ tiêu thuộc về chất lượng sản phẩm. 

Nhưng ngược lại, có nhiều mặt hàng cùng lúc phải chịu sự kiểm tra về ATTP vừa phải kiểm dịch. Do đó phải qua 2 cơ quan kiểm tra khác nhau, làm kéo dài thời gian và tăng chi phí kiểm tra.  

Sự không thống nhất giữa các quy định về kiểm tra ATTP tại các Thông tư của các bộ cũng là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp. Hiện nay, kiểm tra ATTP do 3 bộ quản lý  (Y Tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) có phân chia trách nhiệm của từng Bộ đối với từng nhóm mặt hàng riêng biệt nên 3 bộ đều có những Thông tư  riêng hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra ATTP do mình quản lý. Tuy nhiên, các bộ này lại có những quy định về kiểm tra ATTP không thống nhất về: Phương thức kiểm tra, hồ sơ đăng ký kiểm tra, thời gian thực hiện, quy định về thông quan, ấn chỉ sử dụng, gây khó khăn không những cho các doanh nghiệp nhập khẩu mà cho cả các cơ quan kiểm tra ATTP khi thực thi nhiệm vụ. 

Nhóm mặt hàng thuộc nhóm “dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm” (một trong những đối tượng phải kiểm tra ATTP) vẫn chưa được Bộ Y tế định danh rõ ràng. Trước đây, Bộ Y Tế có Quyết định 818/ QĐ-BYT ngày 05/3/2007 ban hành Danh mục dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm phải kiểm tra ATTP theo mã HS. Tuy nhiên danh mục này hiện nay không còn phù hợp nên Thủ tướng Chính phủ đã xác định không còn giá trị hiệu lực vì cơ sở pháp lý để ban hành đã hết hiệu lực và đã yêu cầu Bộ Y tế hủy bỏ văn bản này theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015. Nhưng đến nay Bộ Y Tế vẫn chưa ban hành Danh mục mới về nhóm mặt hàng này để thực hiện gây khó khăn cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp.    

Vướng nhiều loại hình

Liên quan đến kiểm tra ATTP đối với mặt hàng quà biếu, tặng, các doanh nghiệp chuyển phát nhanh – đại diện chủ hàng làm thủ tục đối với các lô hàng này kêu rất nhiều về quy định này. 

Theo Điều 14 Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thì thực phẩm là quà biếu, tặng nhập khẩu không thuộc đối tượng miễn kiểm tra ATTP. Việc phải thực hiện kiểm tra ATTP đối với thực phẩm biếu, tặng nhập khẩu đang là một vướng mắc lớn tại Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay TSN và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh. Hàng tuần trên 250 tờ khai hàng quà biếu có mặt hàng kiểm tra ATTP.  

Đặc thù của mặt hàng này là rất nhiều người nhận và mỗi người nhận với số lượng ít và mặt hàng đa dạng. Vấn đề này không những gây khó khăn cho cơ quan kiểm tra, Hải quan mà còn gây bức xúc cho các doanh nghiệp kinh doanh chuyển phát và người nhận hàng. 

Bức xúc cho doanh nghiệp và người nhận, tốn kém chi phí, phá vỡ sự nguyên vẹn của vật phẩm, lấy mẫu hàng để kiểm nghiệm và kéo dài thời gian thông quan.

Không chỉ khó khăn cho doanh nghiệp, quy định trên còn gây khó khăn cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Những mặt hàng này không có cơ sở quy chuẩn kỹ thuật để làm căn cứ kiểm tra, chủ yếu là kiểm tra bằng cảm quan bên ngoài và hạn sử dụng. 

Theo Cục Hải quan TP.HCM, sự không thống nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ Y tế về kiểm tra ATTP đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra ATTP loại hình tạm nhập – tái xuất, cũng khiến doanh nghiệp khốn khổ. 

Ngày 4-7-2014, Bộ Công Thương ban hành công văn số 6190/BCT-XNK gửi Tổng cục Hải quan về việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm tạm nhập, tái xuất, trong đó nêu: “Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất là việc doanh nghiệp làm thủ tục tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam và tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, không đưa vào sử dụng tại Việt Nam, do vậy không phải áp dụng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm” và “Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cơ quan Hải quan địa phương không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy chứng nhận kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất”.

Nhưng, ngày 14-3-2016, Bộ Y tế ban hành công văn số 1287/BYT-ATTP hướng dẫn các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP thì thực phẩm làm thủ tục theo loại hình tạm nhập – tái xuất không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (trước đây thực phẩm làm thủ tục theo loại hình tạm nhập – tái xuất thuộc đối tượng được miễn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định tại khoản 4c Điều 1 Quyết định 23/2007/QĐ-BYT ngày 29/3/2007 của Bộ Y tế).

Lê Thu
Nguồn: Báo điện tử Hải quan