Bắt tay nghiên cứu dự án Luật đặc khu kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo đánh giá tác động của Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hôm 15-2, cho biết hiện nay nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn; môi trường đầu tư cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ…
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.
Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách.
Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng các Đề án đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Báo cáo cho biết, Ban cán sự đảng Chính phủ và Chính phủ đã 4 lần họp bàn, thảo luận, có ý kiến chỉ đạo hoàn chỉnh các đề án và nhất trí trình Bộ Chính trị xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 10/TTr-BCSĐ ngày 24-1-2017 của Ban cán sự đảng Chính phủ.
Theo đó, Ban cán sự đảng Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị cho phép thành lập 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nêu trên trực thuộc tỉnh; và Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định (Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 5-12-2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2016).
Để xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc theo lộ trình thực hiện đã được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, cần thiết phải xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong thời gian tới.
Báo cáo cho biết, việc xây dựng khung cơ chế, chính sách với các ưu đãi vượt trội cho mô hình đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ đóng góp cụ thể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng các ngành dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tác động đối với kinh tế thể hiện ở một số chỉ tiêu định lượng khi triển khai mô hình đặc khu. 
Theo đánh giá, tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỉ đô la Mỹ từ thuế và phí và 2,1 tỉ đô la Mỹ từ các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2021-2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 đô la Mỹ vào năm 2020 và 12.500 đô la Mỹ vào năm 2030.
Tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ từ thuế và phí và 1 tỉ đô la Mỹ từ các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2017 -2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 đô la Mỹ vào năm 2020 và 9.500 đô la Mỹ vào năm 2030.
Tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc, ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2017-2030,  nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 đô la Mỹ vào năm 2020 và 13.000 đô la Mỹ vào năm 2030.
Dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động sẽ được lấy ý kiến của tất cả các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, một số địa phương chịu tác động của chính sách. Ngoài ra, dự thảo sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và nhân dân.Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn điện tử