Bài cuối: Thay đổi tư duy về tính đại diện 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Đến thời điểm này, người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử theo đúng quy định của pháp luật. Các địa phương cũng đang chuẩn bị tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử. Từ thực tiễn các cuộc bầu cử trước đây và yêu cầu đặt ra đối với Quốc hội, HĐND trong nhiệm kỳ tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần hiểu sâu sắc hơn về tính đại diện, về cơ cấu trong cơ quan quyền lực nhà nước để chọn cho được những cá nhân thực sự ngang tầm nhiệm vụ giới thiệu cho cử tri bầu trong ngày 23.5 tới.

Tránh tình trạng “giằng co” về cơ cấu

Tại Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Chính trị đã yêu cầu phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Triển khai chủ trương này, bên cạnh các tiêu chuẩn chung được luật định, tại 17 văn bản hướng dẫn thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, nhiều quy định chi tiết về tiêu chuẩn với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã được đưa ra, tạo cơ sở để lựa chọn những ứng cử viên các cấp có đủ đức, đủ tài, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

<img alt=" Nguồn: ITN" src="” width=”850px” />
Nguồn: ITN

Về nguyên tắc, nếu các địa phương, cơ quan, ban ngành thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các quy định hướng dẫn về vai trò của cấp ủy cơ quan, địa phương, cử tri trong quá trình lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ giúp chọn được những ứng cử viên xứng đáng để cử tri bầu ra người đại diện cho mình. Nhưng, từ thực tế tham gia công tác chuẩn bị bầu cử, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Khóa XIII Nguyễn Anh Sơn lưu ý cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm sự cân đối giữa cơ cấu và chất lượng người ứng cử. Thực tế các cuộc bầu cử trước đây cho thấy đã có tình trạng “giằng co” về cơ cấu ở nhiều địa phương, tạo ra tình trạng trạng dồn các yếu tố nữ, trẻ, ngoài đảng… vào một, hai cá nhân được giới thiệu dẫn đến việc không thể bảo đảm yếu tố chất lượng.  

Với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND các cấp trong tổ chức bộ máy nhà nước, việc bảo đảm cơ cấu đại diện khi giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là hết sức quan trọng. Nhấn mạnh đòi hỏi này, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, vấn đề cần giải quyết hiện nay là cần hiểu như thế nào về tính đại diện? Việc chọn một ứng cử viên là nông dân để giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ có thể đại diện cho giai cấp nông dân? Hay cơ cấu lựa chọn một phụ nữ tham gia ứng cử bầu làm đại biểu Quốc hội liệu có bảo đảm người đó sẽ là đại diện tốt nhất cho phụ nữ?

Đặt ra các câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, nếu đại diện cho nông dân được xác định là những người chỉ làm ruộng, không phải đội trưởng đội sản xuất, hoặc đại diện cho công nhân là những người đi ca, đi kíp, không phải trưởng ca, thì sẽ bỏ qua một yêu cầu quan trọng trong giới thiệu người ứng cử. Cần cân nhắc khi cá nhân đó trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND họ sẽ thể hiện vai trò đại diện ấy như thế nào? Người công nhân ấy có thực sự nói được tiếng nói của giai cấp công nhân, người lao động hay không? Người nông dân có nói được tâm tư, tình cảm, có phản ánh một cách mạnh mẽ, đầy đủ, chính xác những mong muốn, yêu cầu của giai cấp nông dân trên diễn đàn Quốc hội không? Nếu câu trả lời là không thì phải chăng đó chỉ là đại diện hình thức?

Ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, người đại diện cho một giai tầng trong xã hội không nhất thiết cứ phải là người đang làm nghề nghiệp hay thuộc tầng lớp đó. Một cá nhân không phải “chân lấm, tay bùn” nhưng họ nắm bắt được mọi vấn đề, nói được tất cả nhu cầu, nguyện vọng của nông dân và có khả năng lên tiếng tại nghị trường, tác động được vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì cá nhân đó mới chính là đại diện thực tế cho giai cấp nông dân trong cơ quan quyền lực nhà nước. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cũng lưu ý, cử tri sẽ xem xét ứng cử viên có hội tụ đủ những tiêu chuẩn, tố chất, kỹ năng, điều kiện, năng lực hoạt động trong suốt nhiệm kỳ không; có lắng nghe, tâm huyết, suy nghĩ những điều họ đang cần, đang mong muốn thay đổi hay không; chương trình hành động có thiết thực, khả thi hay không… Do vậy, ông Bùi Văn Xuyền cho rằng, các địa phương khi triển khai giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cần bám sát yêu cầu về bảo đảm chất lượng đại biểu, thay đổi tư duy, tránh đi theo thói quen, cách làm cũ.

Đổi mới công tác tuyên truyền bầu cử

Cùng với việc thay đổi quan niệm, cách nhìn nhận về cơ cấu đại diện trong Quốc hội, HĐND để chọn được những người ứng cử thực sự ngang tầm nhiệm vụ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, cần có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền về bầu cử. Bởi lẽ, hiện nay, đa phần cử tri đã hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Công tác tuyên truyền về bầu cử phải dồn trọng tâm vào việc làm cho “hồ sơ” ứng cử viên được tiếp cận với cử tri một cách thường xuyên chứ không nên chỉ tập trung ở mấy ngày vận động bầu cử.

Để thực hiện được điều này, ông Lê Minh Thông cho rằng, cần công khai sớm danh sách ứng cử viên, tạo môi trường tương tác rộng hơn, thay đổi phương pháp tiếp cận để cử tri lựa chọn đúng và trúng nhất. Bản thân các cơ quan tổ chức bầu cử phải hỗ trợ ứng cử viên cả về mặt công nghệ để tăng cường các phương thức giao lưu tiếp xúc giữa cử tri và ứng cử viên. Mỗi ứng cử viên cũng phải suy nghĩ cách tiếp cận sáng tạo, không phải đợi, mà phải năng động, chủ động tìm ra phương pháp tiếp xúc với cử tri của mình. Hình thức tiếp xúc cử tri cần được đa dạng hóa để giúp cử tri hiểu sâu sắc nhất “chân dung” của một ứng cử viên, thông qua việc thấy rõ tư cách, năng lực, khả năng… của họ.

Thực tế tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cho thấy, mỗi một kỳ bầu cử là một bước hoàn thiện cả về khuôn khổ pháp lý và phương thức tổ chức. Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm các cuộc bầu cử trước, với tinh thần kỹ lưỡng, thận trọng và dân chủ, minh bạch trong từng khâu chuẩn bị đã được quán triệt và thực hiện trong suốt thời gian vừa qua, tin rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được tổ chức thành công, thực sự là ngày hội của toàn dân.