Bộ Công Thương đã nghe đủ về Nghị định 19!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vấn đề điều kiện kinh doanh gas được quy định tại Nghị định 19 năm 2016 do Bộ Công Thương xây dựng lại tiếp tục nóng lên tại hội nghị lấy ý kiến về quy định, thủ tục hành chính  ngành công thương tổ chức ngày 29/9 tại TPHCM.

Ông Phan Tấn Bửu, đại diện cho hiệp hội những nhà kinh doanh gas tại Quảng Nam và Đà Nẵng, người đã ra Hà Nội dự hội nghị tổ chức hôm 27/9 nhưng không có thời gian phát biểu, cho biết ngay khi Nghị định 19 được ban hành, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã thấy những bất cập.

Thứ nhất, đó là quy định về điều kiện kinh doanh của thương nhân kinh doanh đầu mối phải có số lượng chai LPG các loại có sức chứa tối thiểu 2.620.000 lít (tương đương khoảng 100.000 vỏ) và sở hữu trạm chiết nạp.

Ông Bửu cho biết, so với Nghị định 107 trước đây, điều kiện về vỏ bình có giảm xuống nhưng Nghị định 19 áp dụng cho cả đối tượng là trạm chiết. Với những tỉnh nhỏ, quy mô thị trường không lớn như Quảng Nam thì doanh nghiệp kinh doanh trạm chiết không thể đáp ứng đủ điều kiện. Ông cho rằng, quy định này của Nghị định 19 là đi ngược lại với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014.

Thứ hai, theo ông Bửu, Nghị định 19 có thêm điều kiện về tổng đại lý mà Nghị định 107 không có. Đó là phải có kho có tổng sức chứa 2.000 vỏ bình. Vấn đề là hiện tại ở Đà Nẵng, Quảng Nam không cấp phép lập kho chứa gas ở khu dân cư, phải vào khu công nghiệp. Trong khi đó, đã vào khu công nghiệp thì nhỏ nhất cũng là 10.000 mét vuông, doanh nghiệp nhỏ không có khả năng thuê.

Ông Bửu kết luận, mục tiêu của Nghị định 19 là đưa ngành kinh doanh khí vào quy chuẩn nhưng cuối cùng lại làm lợi cho các công ty lớn. Và tình trạng này đang khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản, ảnh hưởng đến 10.000 lao động, tức 10.000 hộ gia đình. Điều này khiến các doanh nghiệp nghĩ rằng Bộ Công Thương xây dựng chính sách (qua Nghị định 19) để “ép” họ.

Trong khi đó, không đồng tình với quan điểm này, các doanh nghiệp lớn kinh doanh mặt hàng này cho rằng, không thể bỏ qua các điều kiện kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực an toàn cháy nổ. Theo các doanh nghiệp này, những điều kiện kinh doanh trong Nghị định 19 nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas theo hướng bài bản, bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng như lợi ích cho người tiêu dùng.

Dù còn nhiều ý kiến muốn phát biểu, song ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị xin dừng thảo luận về Nghị định 19 tại đây. Việc dừng lại, không phải cắt đi quyền được nói của doanh nghiệp mà vì những ý kiến phát biểu đã thể hiện tất cả tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, có  nghe thêm nữa cũng chỉ là bấy nhiêu.

Ông Khánh cho biết, các điều kiện trong Nghị định 19 đã được hạ thấp hơn rất nhiều so với Nghị định 107 trước đó. Nhưng sau khi ban hành thì Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Điều này thể hiện trong quy trình xin ý kiến khi dự thảo không được suôn sẻ. Bộ Công Thương đã kiểm tra lại quy trình và thấy rằng đã làm đúng khi đăng tải công khai 60 ngày trước khi ban hành, gửi văn bản đến tất cả các sở công thương, hiệp hội, VCCI… và không nhận được ý kiến phản ứng.

Ông Khánh cũng cho biết Bộ đã kiểm tra và có thể khẳng định rằng người soạn thảo không có ý gây khó khăn cho những người kinh doanh nhỏ. Nhưng với một mặt hàng nhạy cảm như gas, việc quản lý hướng tới nhiều mục tiêu, như tạo thuận lợi cho người kinh doanh, lập lại trật tự thị trường hay bảo đảm an toàn cháy nổ. Theo ông Khánh, những người xây dựng Nghị định 19 đang thiên về mục tiêu khác, ngoài mục tiêu tạo thuận lợi cho người kinh doanh.

Ông Khánh kết luận, Nghị định 19 đã ”nóng” suốt nhiều tháng qua và theo yêu cầu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đang xem xét để điều chỉnh, sửa đổi một số quy định để bảo đảm hài hòa các mục tiêu.

Thành Đạt
Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Bo-Cong-Thuong-da-nghe-du-ve-Nghi-dinh-19/287786.vgp