Bộ luật lao động (sửa đổi) cần nghiên cứu 21 từ “có thể”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XIII. Hiện nay, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Ba, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tham khảo ý kiến người có chuyên môn sâu và các ngành liên quan tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Những vấn đề được quan tâm, tập trung tham gia, đóng góp ý kiến, thảo luận nhiều nhất là chế định tiền lương và tiền lương tối thiểu; hợp đồng lao động; thời giờ làm thêm; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ; tuổi nghỉ hưu; tranh chấp lao động… Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến một vấn đề rất nhỏ về kỹ thuật lập pháp tại một số điều, khoản cụ thể đó là: từ “có thể” trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có tới 21 từ “có thể” tại các Điều: 16, 18, 21, 23, 33, 47, 68, 83, 89, 111, 114, 127, 156, 169, 190, 192, 238, 240.

Riêng Điều 240, trong một điều luật có tới 3 từ “có thể”. Có lẽ, chưa Bộ luật nào có nhiều từ “có thể” như vậy.

Theo từ điển Tiếng Việt, “luật” có nghĩa là phép nước đặt ra bắt mọi người phải theo. Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế. Về mặt nội dung, luật pháp có tính quy phạm phổ biến, về mặt hình thức luật pháp có tính chặt chẽ. Trong ý thức của người dân, đã là luật thì phải tuân thủ nghiêm ngặt, điều luật càng rõ ràng, dễ hiểu thì càng dễ áp dụng, thực hiện. Dùng từ “có thể” sẽ xảy ra trường hợp một bên nói “có thể” và bên kia nói “không thể”. Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định về ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật: “Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”, “văn bản quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung…”. Trong lĩnh vực lao động, các bên của quan hệ lao động có thể làm được tất cả những gì mà luật pháp không ngăn cấm. Tuy nhiên, chúng ta đã biết, giữa các bên của quan hệ lao động luôn có sự khác biệt về địa vị, hoàn cảnh kinh tế, quan niệm, sự hiểu biết… để hạn chế tranh chấp lao động (nhất là lao động cá nhân), bảo vệ quyền, lợi ích các bên, điều luật cần quy định cụ thể… Vì vậy, trong một số điều của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần nghiên cứu để hạn chế bớt từ “có thể”, thay vào đó là câu khẳng định ví dụ:

Điều 114. Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ

1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được trả lương những ngày chưa nghỉ.

2. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được thanh toán bằng tiền cho những ngày nghỉ.

Ở khoản 2 của Điều luật này cần rõ ràng:

“Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc, nếu chưa nghỉ thì được thanh toán bằng tiền cho những ngày nghỉ”.

Ở đây từ “có thể” phải được khẳng định bằng từ “được” mới hợp lý.

– Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Ở khoản 2 Điều luật này bỏ chữ có thể, ý nghĩa Điều luật không thay đổi:

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

– Điều 192. Tuổi nghỉ hưu.

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.  

3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

Ở Điều luật này từ “có thể” nên thay bằng từ “được” với ý nghĩa được quyền tiếp tục cống hiến, phát huy tài năng trên cơ sở những nguyên tắc và tiêu chí Chính phủ quy định, ví dụ:

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này. 

Trần thị Liên – Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Lạng Sơn
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân