Các Bộ trình nhiều điều kiện kinh doanh ‘phi lý’
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lại chuyện quả trứng, con gà

“Theo Thông tư 03 năm 2011 của Bộ Công Thương, khi xin giấy phép làm thương nhân phân phối gas thì phải có giấy phép nạp gas, còn xin phép giấy phép nạp gas thì phải có giấy phép là thương nhân phân phối”, ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty Đông Tùng, cho biết về quy định “tréo ngoe” này tại hội thảo ngày 14/6 về điều kiện kinh doanh.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tổ chức.

Ông Tùng, người lặn lội từ Hà Giang về Hà Nội dự hội thảo, khẳng định nếu thực hiện đúng quy định của Thông tư 03 thì doanh nghiệp không có cách nào xin được giấy phép. Thông tư này còn có nhiều quy định khó hiểu tương tự, khiến các doanh nghiệp không biết “quả trứng, con gà” nào có trước, có sau?

Một điều khác khiến các doanh nghiệp gas ở vùng núi, vùng sâu vùng xa như Công ty Đông Tùng nản lòng là quy định tại Nghị định 19 về kinh doanh khí: Thương nhân phân phối phải có bồn chứa tối thiểu 300m3 và ít nhất 100.000 vỏ bình gas. Trong khi ở nhiều tỉnh miền núi, nhu cầu của cả tỉnh chỉ bằng nửa như vậy. Về phía doanh nghiệp thì phải đầu tư thêm lượng vốn khoảng 25 tỷ đồng để bảo đảm yêu cầu này, từ đó đẩy giá thành lên cao, hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Nhìn rộng hơn, các ý kiến tại hội thảo đều nhấn mạnh yêu cầu phải bãi bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt yêu cầu các bộ ngành xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh đáp ứng quy định của Luật Đầu tư. Doanh nghiệp lo ngại các điều kiện bất hợp lý này sẽ tiếp tục tồn tại trong các nghị định do các Bộ trình Chính phủ.

Dạy thêm cần gì điều kiện kinh doanh?

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), chỉ ra hàng chục ngành nghề mà theo ông, không cần điều kiện kinh doanh, thay vào đó để cho doanh nghiệp tự do hoàn toàn.

Đó là kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm, kinh doanh bảo dưỡng, bảo hành xe ô tô, kinh doanh ngư cự, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, kinh doanh củi than từ gỗ, kinh doanh dịch vụ đào tạo về đấu thầu, kinh doanh mũ bảo hiểm, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh…

Lý do được nhiều người đồng tình, là tất cả các ngành nghề trên đều không thấy rõ phải có điều kiện kinh doanh “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” như quy định của Luật Đầu tư.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết đã tham dự quá nhiều hội thảo, sự kiện về điều kiện kinh doanh. “Phải làm sao để doanh nghiệp đừng khổ thêm nữa, đừng loay hoay với các điều kiện kinh doanh”, ông Bình tha thiết. Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Am Hiểu, Trọng tài viên VIAC cho rằng hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang tồn tại là con số “khủng khiếp”, trong đó có nhiều điều kiện cần được bãi bỏ.

“Cười ra nước mắt”

Góp ý cụ thể vào dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp do Bộ KHCN soạn thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam chỉ ra nhiều điểm phi lý. Chẳng hạn, các tổ chức công nhận nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ ở Việt Nam sau khi thông báo hoạt động. Trên thực tế, các đối tác Việt Nam cần họ, muốn họ vào phải “năn nỉ” và tốn rất nhiều tiền họ mới cung cấp dịch vụ, ông Dũng cho biết.

Cũng dự thảo quy định khi đã có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học lại còn cần phải có “văn bản chấp thuận thành lập tổ chức công nhận” của Bộ KHCN. “Văn bản chấp thuận là gì, được cấp theo thủ tục nào, không rõ. Đây là quy định xin-cho”, ông Dũng thẳng thắn.

Đại diện Công ty FPT chia sẻ, dự thảo Nghị định do Bộ TTTT xây dựng yêu cầu muốn kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng thì phải có cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm chính có bằng đại học trở lên về chuyên ngành an toàn thông tin và có số lượng cán bộ kỹ thuật đáp ứng được quy mô của phương án sản xuất.

“Nhưng chúng tôi không thể tìm ra được người nào có bằng đại học về chuyên ngành này, vì chưa đâu đào tạo cả. Rồi cán bộ đáp ứng được quy mô là như thế nào? Thực tế, có những người không cần học đại học vẫn có thể viết phần mềm, chỉ cần mày mò tự học, tại sao không khuyến khích họ?”, vị này đặt vấn đề.

Trong khi đó, dự thảo nghị định của Bộ Công an về điều kiện về an ninh, trật tự đối với 23 ngành, nghề được đánh giá là “rất phức tạp” với nhiều điều kiện không rõ ràng như có địa điểm kinh doanh hợp pháp, có diện tích phù hợp… Đồng thờ có nhiều điểm trùng chéo với các luật chuyên ngành khác. “Có những điều kiện tưởng như dễ nhưng rất khó, ví dụ người đứng đầu không được nghiện ma túy, nhưng ai xác nhận điều này?”, ông Lê Văn Hà từ công ty Quang Minh (Hà Nội) nhận xét.

Chính phủ kiên quyết

Trong bài trình bày tổng quát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng điều kiện kinh doanh có thể giúp đạt được các mục tiêu quản lý nhà nước, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra các hệ quả tiêu cực như giảm tính cạnh tranh, tăng độc quyền, giảm khả năng sáng tạo đổi mới, tăng giá giảm chất lượng hàng hóa sản phẩm và nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu.

Ông Tuấn khẳng định doanh nghiệp không sợ điều kiện kinh doanh, chỉ sợ điều kiện không minh bạch, nên việc xây dựng điều kiện kinh doanh phải trải qua một quá trình lấy ý kiến đầy đủ, thực chất.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định chủ trương kiên quyết của Chính phủ là cắt giảm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng khi xây dựng các dự thảo, các Bộ dường như mới chỉ nâng cấp cơ học các thông tư lên cấp nghị định, mà không xem xét loại bỏ các điều kiện kinh doanh này. Chính phủ đang rất cần tiếng nói, kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp để nhận diện các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, từ đó cắt bỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận xét có nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” về điều kiện kinh doanh và “nỗi khổ này không của riêng ai”. Ông cam kết, các ý kiến của doanh nghiệp tại hội thảo sẽ được chuyển tải đầy đủ, trung thực tới phiên họp chuyên đề của Chính phủ về các dự thảo nghị định. Mặt khác sau thời điểm 1/7, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục rà xét lại toàn bộ các điều kiện kinh doanh, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện bất hợp lý theo yêu cầu của Chính phủ, của Thủ tướng.


Hà Chính
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ