Cân nhắc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật; có ý kiến cho rằng, Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) mới kết thúc đàm phán, chưa ký kết và chưa trình Quốc hội để phê chuẩn. Do đó, đề nghị sau khi ký kết Hiệp định TPP mới tiến hành sửa đổi Luật này.

Về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xuất khẩu tại chỗ là hàng mua bán giữa các doanh nghiệp Việt Nam với thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài chỉ định giao nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác ở Việt Nam. Thực tế hiện nay, để quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, tại Điều 182 của Luật thương mại, Điều 53, 61 và 86 của Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính đã quy định các doanh nghiệp thực hiện loại hình này phải mở tờ khai xuất nhập khẩu nhưng hàng hóa không ra khỏi Việt Nam.

Về hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, thực chất trường hợp này là nội dung được quy định chi tiết của khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật: “Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước”. Đồng thời, nội dung này đã được quy định cụ thể tại Điều 77 của Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Do đó, hai vấn đề này là nội dung mang tính kỹ thuật, cần thiết được hướng dẫn ở văn bản dưới luật. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ xin Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Luật.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ- Thái Bình đề nghị Quốc hội cân nhắc không áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ, bởi vì xét về bản chất thì hàng hóa này được sản xuất và tiêu dùng ngay tại Việt Nam, được quản lý giám sát chặt chẽ theo các quy trình, thủ tục hải quan tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật hải quan. Nếu áp thuế nhập khẩu thì vô hình trung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp của Việt Nam trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với thương nhân nước ngoài, đồng thời sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay tại sân nhà.

Đại biểu Trần Văn Minh- Quảng Ninh đề nghị được luật hóa đối tượng chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và trường hợp hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền- Lâm Đồng cho rằng, luật pháp hiện nay bị nhân dân phê phán nhiều nhất là chờ thông tư và nghị định, cho nên những vấn đề có thể quy định ngay trong luật thì nên bổ sung vào trong luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị những vấn đề bổ sung dưới thông tư cần cụ thể hóa trong luật chúng ta nên tiếp thu, tránh để luật lâu đi vào cuộc sống và gây khó khăn cho nhân dân.

Tại phiên thảo luận này, các nội dung về miễn thuế, áp dụng thuế phòng vệ thương mại, trị giá tính thuế và thời điểm tính thuế… cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Mai Trang
Nguồn: www.quochoi.vn