Cần phân biệt tuyên truyền, cổ động và quảng cáo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phó chủ nhiệm đánh giá thế nào về dự thảo Luật Quảng cáo?

– Luật được soạn thảo cơ bản đầy đủ nhưng đơn giản quá. Có nhiều cái cần quy định cụ thể hơn để khi thực hiện không bị vướng. Như quy định cấm sử dụng hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy trong các sản phẩm quảng cáo chưa tính đến thực tế xã hội hóa các hình thức cổ động, tuyên truyền. Vừa qua, nhiều nơi treo panô, băng rôn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, cổ động cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Phía trên panô, băng rôn là hình ảnh Đảng kỳ, Quốc kỳ, ở giữa là khẩu hiệu, còn phía dưới là lôgô và tên doanh nghiệp tài trợ. Về mặt pháp luật, như thế là vi phạm, nhưng thực tế cách làm này lại đang rất phổ biến, thậm chí được khuyến khích.

Có ý kiến cho rằng, nên tách tuyên truyền, cổ động thành một văn bản pháp luật riêng, theo Phó chủ nhiệm, có khả thi không?

– Đưa tuyên truyền, cổ động chính trị vào quảng cáo chắc chắn là không ổn. Nếu cần điều chỉnh các hoạt động này bằng pháp luật thì phải xây dựng một luật riêng. Nhưng đưa hoạt động quảng cáo công ích không sinh lời (như tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, bình đẳng nam nữ…) vào Luật là cần. Chỉ có điều, một khi Luật đã quy định quảng cáo gồm 2 loại sinh lời và không sinh lời thì phải có những quy định phù hợp với tuyên truyền, cổ động công ích. Trong dự thảo Luật Quảng cáo hiện nay, phần lớn các quy định chỉ thích hợp với quảng cáo sinh lời.

Nhưng nếu tách riêng cổ động, tuyên truyền ra khỏi quảng cáo, có thể cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo không còn là Bộ VH, TT và DL nữa, thưa Phó chủ nhiệm?

– Khi một lĩnh vực hoạt động liên quan đến chức năng quản lý của nhiều bộ thì bao giờ cũng xảy ra tranh luận về việc giao trách nhiệm quản lý cho bộ nào. Điều 6, dự thảo Luật Quảng cáo đang quy định Bộ VH, TT và DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, cũng có thể giao việc này cho Bộ Thông tin – Truyền thông, bởi họ đang quản lý tới 90% hoạt động quảng cáo hiện nay. Các Bộ Công thương, NN và PTNT, Y tế, GD-ĐT, Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đều quản lý những lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có phát sinh quảng cáo. Tôi nghĩ là các đại biểu Quốc hội sẽ bàn thảo để đưa ra quyết định có lợi nhất.

Thực tế, phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo rất rộng, bởi hoạt động quảng cáo liên quan đến quảng đại quần chúng. Hoạt động quảng cáo cũng đã được quy định rải rác trong nhiều luật…

– Đúng vậy. Vì thế, Luật Quảng cáo phải tập hợp được tất cả các quy định liên quan trong Luật Thương mại, Luật Dược, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Sở hữu trí tuệ… nếu không người dân không thể chỉ dùng luật này thi hành được mà vẫn phải tra các luật khác. Ví dụ, Luật Quảng cáo quy định không được quảng cáo các loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh thì danh mục các hàng hóa, dịch vụ này đã được quy định trong Luật Thương mại, Luật Quảng cáo cần dẫn chiếu theo.

Ban soạn thảo cũng cần xem xét những quy định nào có thể đưa được vào luật thì đưa luôn, tránh tình trạng luật chờ nghị định. Các quy định phải sát thực tế, phù hợp với tình hình phát triển quảng cáo hiện nay.

Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

Ng.Anh thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân