Cần thiết lập một số cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo luật đã “bỏ quên” hộ kinh doanh?

Cho rằng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các DNNVV, nhưng Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO, Trọng Tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã bày tỏ sự băn khoăn khi dự thảo luật chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, bao gồm các công ty và doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 mà không điều chỉnh hộ kinh doanh. Trong khi thực tế hiện có khoảng 4 -4,5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động như doanh nghiệp nhưng không được điều chỉnh bằng luật nên suốt mấy chục năm nay đang trong tình trạng bị “bỏ rơi”. Xét về mặt pháp lý, hộ kinh doanh có thể phức tạp hơn nhiều doanh nghiệp tư nhân vì doanh nghiệp tư nhân thì chỉ luôn có 1 chủ duy nhất, còn hộ kinh doanh thì ngoài là một chủ cá nhân, còn có thể có hai hoặc nhiều hơn số lượng thành viên, có thể là vợ chồng, người trong gia đình hay bất kỳ ai.  

Theo ông Đức, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 đều đã gián tiếp thừa nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp nhưng chỉ dừng lại ở mức “điểm danh” công nhận sự hiện diện mà không quy định danh phận pháp lý của doanh nghiệp. Vì vậy, cần thừa nhận hộ kinh doanh là loại hình doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, nếu đã công nhận thì có thừa nhận doanh nghiệp tư nhân có nhiều hơn 1 chủ doanh nghiệp hay không? Nếu không thừa nhận thì cũng phải coi hộ kinh doanh là mô hình hợp tác kinh doanh, chứ không thể để “lửng lơ” về đặc điểm pháp lý. Còn trong trường hợp không công nhận hộ kinh doanh là doanh nghiệp thì cần phải xem xét quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển các hộ kinh doanh thành các doanh nghiệp.

Tránh cơ chế xin – cho

Theo đánh giá của đại diện Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký rất nhiều nội dung kinh doanh với các ngành, nghề kinh doanh khác nhau nhưng nhiều lĩnh vực lại chưa bao giờ hoạt động. Vì vậy, vấn đề “hậu kiểm” cần phải đặt ra. Thực tế cho thấy do thiếu chế tài kiểm soát và hậu kiểm các hoạt động theo ngành nghề  kinh mà doanh nghiệp đã đăng ký nên nhà nước rất khó hoạch định chiến lược phát triển ngành đúng với nhu cầu thực tiễn.

Dự thảo Luật quy định “DNNVV thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp” đều thuộc đối tượng hỗ trợ. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hiện nay có tới 97,5% tổng số doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Vì vậy, theo ông Đức, với việc quy định hỗ trợ cho quá nhiều doanh nghiệp là không hợp lý. Bởi nguồn lực hỗ trợ DNNVV cũng rất nhỏ và vừa. Do vậy, cũng cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ, để bảo đảm hiệu quả, khả thi. Theo đó, cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh.

Dự thảo Luật quy định một số biện pháp hỗ trợ DNNVV trong đó có việc hỗ trợ thông qua “Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV” và “Quỹ Phát triển DNNVV”. Trên thực tế các chế định tài chính này đang được vận hành nhưng còn hạn chế tác dụng. Bởi theo ông Đức, cái khó của DNNVV đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, không vay được vốn hoặc vay với lãi suất cao là do các yếu tố như về mặt thị trường, độ tín nhiệm, thương hiệu, tính hiệu quả và tài sản bảo đảm đối với loại hình doanh nghiệp này là chưa có. Do đó, sẽ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay giá rẻ.

Việc nhà nước tạo ra một số cơ chế hỗ trợ tín dụng và đã được ghi nhận trong dự thảo luật, trong đó có việc được Quỹ Phát triển DNNVV cho vay vốn, các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng thương mại, được vay vốn của các tổ chức tín dụng vi mô là rất cần thiết. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, các Quỹ này và các tổ chức tín dụng vi mô không đủ nguồn vốn, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ nên rất khó hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với những quy định về điều kiện được cấp tín dụng còn chặt hơn cả ngân hàng, do đó, nếu doanh nghiệp đã không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng thì cũng không đủ điều kiện để được các quỹ cho vay vốn hay bảo lãnh. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ thường phải đi vay vốn bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng. 

 Hiện có 97,6% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là DNNVV. Tính đến cuối năm 2014, khối doanh nghiệp này đã đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% tổng số thu ngân sách, chiếm khoảng 31% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm và tạo 51% tổng việc làm của Việt Nam. 

Với việc dự thảo luật quy định, “DNNVV phải đáp ứng các điều kiện của từng nội dung, chương trình hỗ trợ DNNVV. Tại cùng một thời điểm, trường hợp DNNVV đồng thời đáp ứng các điều kiện khác nhau về cùng một nội dung hỗ trợ thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ theo quy định có lợi nhất”, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải cẩn trọng với nguyên tắc hỗ trợ “có chọn lọc”. Bởi nếu quy định không chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng DNNVV  phải “điều chỉnh” cho quy mô nhỏ để phù hợp với các điều kiện. Bên cạnh đó, theo bà Hằng nếu có nhiều chương trình nội dung hình thức trùng lặp thì doanh nghiệp sẽ không biết đâu là mức hỗ trợ theo quy định là có lợi nhất? Nếu không cẩn thận, thì cơ chế trợ giá có thể bóp méo cơ chế thị trường. Cùng với đó là việc “hỗ trợ một phần chi phí” là hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp? Do vậy, cần quy định công khai hơn nữa hình thức tiếp cận chương trương trình của chính sách, minh bạch thông tin và đơn giản các thủ tục để DNNVV tiếp cận được các chương trình hỗ trợ.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đưa ra thông tin, thực tế có 60 – 62% DNNVV cho rằng phải chi phí không chính thức, 62-65% DNNNVV than bị nhũng nhiễu, thì dự thảo luật cũng phải giải quyết được vấn đề này, ông Lực nhấn mạnh.  

Cho rằng, DNNVV chưa thực sự được hưởng bình đẳng từ các chính sách và ví DNNVV  như “cá nằm trên thớt”, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch doanh nghiệp Thanh Hóa cho rằng, các quy định của luật phải chặt chẽ, nếu luật không chặt chẽ sẽ tạo khoảng trống, quy định mập mờ sẽ tạo nên tiêu cực, sẽ tạo cơ chế xin – cho.

Hà An
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử