Cấp phép xuất khẩu gạo: Đang… vỡ mục đích!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu gạo Việt Nam (VFA) cho hay, nhiều DN được cấp phép lại không có khả năng xuất khẩu gạo…

10 tháng, 146 giấy phép

Theo Nghị định 109, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải đáp ứng đủ các điều kiện: Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ NNPTNT ban hành; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương có thóc, gạo hàng hoá xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận.

Về thực tế triển khai Nghị định 109, trong báo cáo mới đây tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2011 và phương hướng năm 2012, VFA cho hay, đến hết ngày 31.12.2011 (10 tháng kể từ khi Nghị định 109 có hiệu lực), Bộ Công Thương đã cấp cả thảy 146 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109 của Chính phủ. Trong đó, có 79 giấy chứng nhận tạm thời 1 năm và 67 giấy dài hạn 5 năm. Ngoài ra, còn có 4 doanh nghiệp có vốn nước ngoài được thực hiện xuất khẩu gạo theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp trước đó. Như vậy, đến thời điểm này đã có 150 DN được phép tham gia xuất khẩu gạo.

Khi nêu những hạn chế về hoạt động xuất khẩu gạo, VFA tỏ ra tế nhị khi không nêu cụ thể tên tuổi DN, nhưng cũng khá bức xúc báo cáo một thực tế đang xảy ra trong 146 DN được cấp phép: Có nhiều thương nhân đã xuất khẩu gạo, có khách hàng, có thị trường nhưng bởi không đáp ứng đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận nên không được xuất khẩu gạo. Ngược lại, có những doanh nhân có đủ điều kiện, được cấp giấy chứng nhận nhưng lại… không có khả năng xuất khẩu gạo!

Trước chứng khoán, nay xuất khẩu gạo

Trước và sau khi Nghị định 109 có hiệu lực, trong rất nhiều cuộc họp với cả báo chí, VFA – tổ chức tuy là một hiệp hội, nhưng quan trọng trong đóng góp ý kiến để hình hài nên quy định cấp phép xuất khẩu gạo – đều tỏ rõ ý chí của mình khi kỳ vọng nghị định sẽ giúp siết lại còn khoảng 80 DN đủ năng lực, thay vì trên 200 DN như trước đó. Việc siết lại, nhằm mục đích loại bỏ những DN nhỏ lẻ “ăn theo” bán phá giá gạo gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trước khi ra đời Nghị định 109, năm 2009 và 2010 có nhiều ý kiến cho rằng quy định của Nghị định 109 khá khắt khe và gây khó khăn cho DN; và khi ít DN thì việc nông dân nguy cơ bị ép giá sẽ xảy ra v.v…

Tuy nhiên đến khoảng tháng 10.2011, khi Nghị định 109 có hiệu lực mới 10 tháng thì con số DN được cấp phép lên trên 100 DN, ông Phạm Văn Bảy (Phó Chủ tịch VFA) tỏ ra lo lắng với báo chí  rằng trong hồ sơ xin cấp phép, có khá nhiều DN mà lai lịch trước đó hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh sắt thép, du lịch và chưa xuất khẩu gạo bao giờ; rằng Thái Lan – quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới – chỉ có 14-15 đầu mối xuất khẩu gạo, lúc nhiều nhất cũng chỉ 20 DN và thế giới chỉ có hơn 10 nhà nhập khẩu gạo, còn Việt Nam dù “siết” lại mà đã lên hơn 100 DN thì…

Đến hết năm 2011, khi con số lên 150 DN, cũng tức là kỳ vọng ban đầu của những nhà hoạch định chính sách và cả các DN lớn ngành gạo đã… vỡ!

VFA cũng cho hay, thời gian qua, nhiều thương nhân đăng ký hợp đồng nhưng không thực hiện khiến số hợp đồng thương mại bị hủy nhiều, ảnh hưởng tới công tác điều hành xuất khẩu gạo chung. Bên cạnh đó, một số DN đang đứng trước nguy cơ phá sản. Bởi những DN này chịu ảnh hưởng lãi suất cao của năm 2011 khiến kinh doanh kém hiệu quả, nợ nần chưa trang trải nổi trong khi việc phải đầu tư cơ sở để đáp ứng điều kiện kinh doanh là gánh nặng chồng chất.

Ngô sơ