Chậm hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mới ban hành 3/6 Nghị định

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: “Hướng dẫn luật không được gây khó khăn cho người lao động bởi thực hiện BHXH là thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính phải đơn giản, thông thoáng, bảo đảm cho người lao động dễ tiếp cận thì mới bảo đảm chính sách an sinh xã hội”.

Theo Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22.01.2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIII, Luật BHXH phải ban hành 6 nghị định trong năm 2015, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Song, đến nay mới có 3 nghị định và 1 quyết định được ban hành.

Các văn bản thuộc thẩm quyền hướng dẫn của các bộ cũng ban hành rất chậm, đặc biệt là Bộ Y tế. Các nội dung Luật BHXH giao Bộ trưởng Bộ Y tế đến nay chưa ban hành gồm: quy định danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản; hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ BHXH; quy định danh mục bệnh nghề nghiệp; BHXH một lần đối với người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. Các nội dung trên đang được quy định trong các văn bản do Bộ Y tế ban hành trước khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành mà chưa có văn bản thay thế.

Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết có tình trạng một số bộ, ngành cho rằng văn bản hướng dẫn luật cũ vẫn phù hợp nên chưa cần ban hành văn bản mới. Việc hiểu như vậy là không đúng, bởi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi luật mới có hiệu lực thì tất cả văn bản hướng dẫn luật cũ đương nhiên không còn hiệu lực. Xử lý vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định rất dễ, không mất thời gian. Các bộ, ngành chỉ cần nêu căn cứ pháp lý mới rồi thông báo để thực hiện. Chúng ta cảm thấy chậm một tháng, một quý có vẻ không quan trọng nhưng người lao động lại chờ từng ngày, từng giờ.

Nỗi lo của người lao động

Điều 96 Luật BHXH quy định, sổ BHXH được cấp cho từng người lao động, song câu hỏi đặt ra là đối với những lao động đang có vướng mắc với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cũ giải thể, phá sản, không còn hoạt động, người lao động không lấy được sổ BHXH cũ, không chốt được thời gian công tác trước ngày 1.1.2016 thì việc chốt sổ, cấp sổ mới cho người lao động thực hiện như thế nào? Người lao động có phải về doanh nghiệp cũ yêu cầu chốt và lấy sổ BHXH cũ hay không, hay chờ để được cấp sổ mới với thời gian đóng BHXH được ghi nhận đầy đủ?

Việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động điều trị ngoại trú vẫn thực hiện theo Thông tư liên tịch số 11/1999/TTLT-BHYT-BHXH ngày 22.6.1999 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Trong đó, quy định các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, của tư nhân có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan BHXH mới được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vì không phải người lao động nào cũng biết về các cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng với cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật không quy định nhưng nhiều bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh yêu cầu người lao động yêu cầu phải có giấy giới thiệu của doanh nghiệp mới cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Như vậy, nếu doanh nghiệp không cấp giấy giới thiệu cho người lao động thì người lao động sẽ bị hạn chế quyền hưởng BHXH.

Bất cập điển hình như trường hợp các cô giáo mầm non không được tham gia BHXH trong thời gian 3 tháng hè. Nếu ký hợp đồng 9 tháng liên tục thì vi phạm về hợp đồng lao động, nếu ký hợp đồng không xác định thời hạn thì nhà trường không có tiền lương để đóng BHXH. Vấn đề này đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ phải hướng dẫn để người lao động được tham gia BHXH liên tục, đầy đủ.

Ngoài ra, quy định về truy thu, truy đóng BHXH đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH hiện nay vẫn còn khó khăn. Doanh nghiệp vi phạm pháp luật đồng ý nộp phạt và truy đóng BHXH cho người lao động nhưng việc hoàn thiện thủ tục kê khai làm lại bảng lương, mức lương, thời gian truy đóng còn phức tạp, khiến người lao động và doanh nghiệp thà đóng mới còn hơn nộp truy thu.

Thái Yến
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân