Chọn được đá tảng hay chỉ là hạt sạn?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Sau khi hoàn thành việc rà soát 16 luật liên quan đến môi trường kinh doanh, một động thái chưa từng có tiền lệ, ông rút ra được điều gì quan trọng nhất?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Hiện nay, quy trình làm luật đã bắt đầu có sự tham gia của cộng đồng theo hướng công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quy trình rà soát các luật thì không. Việc rà soát luật của các bộ làm theo kiểu “bình cũ”, tốn tiền của Nhà nước, mất thời gian mà không giải quyết được vấn đề của xã hội.

Tôi muốn nói, quy trình rà soát pháp luật cần được các cộng đồng có liên quan trong xã hội tham gia nhiều hơn. Về khía cạnh nào đó, điều này cũng giúp các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc có thêm sáng kiến. Chúng tôi hy vọng, việc rà soát lần này là bước khởi điểm của quá trình đó.

PV: Chuyên viên các bộ được mời tham gia xem xét các luật mà chính họ thiết kế. Vậy ông có thấy hiện tượng các cán bộ đó bảo vệ lợi ích của bộ mình trong các luật liên quan hay không?

– Tôi thấy có hai nhóm. Nhóm thứ nhất cho rằng sự rà soát của cộng đồng là cần thiết và hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ, Bộ Giao thông Vận tải trong Luật Hàng hải và Bộ Tài chính trong các luật liên quan của bộ này.

Còn nhóm kia, họ bảo lưu quan điểm của mình, nhưng cũng rất minh bạch, công khai. Ví dụ, Cục Đăng kiểm Việt Nam muốn giữ lại việc đăng ký tàu biển. Cục cử người tham gia nhiều lần và sau đó, có công văn gửi đề nghị giữ lại vấn đề đăng ký tàu biển vì cái này có lợi cho quốc gia, có lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhóm rà soát vẫn giữ nguyên quan điểm là bỏ đi. Với tư cách là nhà tổ chức rà soát, chúng tôi cho rằng quyền quyết định cuối cùng vẫn là cơ quan soạn thảo luật. Chúng tôi sẽ gửi ý kiến lên Quốc hội. Tức là mọi thứ rất công khai, nhưng sợ nhất là người ta không nói ra.

PV: Với tư cách là người tổ chức, ông có chịu sức ép từ phía nào đó không?

– Không có. Chúng tôi cũng gửi công văn tới các bộ, ngành để phối hợp. Có bộ phản hồi, có bộ thì không. Tức là không phải ai cũng ủng hộ chúng tôi. Vậy thôi.

Về phần mình, chúng tôi cũng suy nghĩ, do hạn chế thời gian, nguồn lực nên liệu chúng tôi đã làm đến được tận cùng vấn đề chưa? Có lẽ chúng tôi cần rút kinh nghiệm cho lần sau, chẳng hạn làm ít luật hơn, và với quy trình công khai và minh bạch hơn, và lôi cuốn sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước nhiều hơn.

PV: Báo cáo cuối cùng về đợt rà soát này đã không đưa vào những kiến nghị mạnh mẽ của các chuyên gia. Ông giải thích thế nào?

– VCCI làm việc với cách thức cầu thị và minh bạch. Vì vậy, chúng tôi luôn lắng nghe và làm đến tận cùng và chúng tôi cũng giải thích rõ vì sao không tiếp thu các ý kiến chuyên gia.

Như trong báo cáo rà soát Luật Đầu tư, chúng tôi đã nói rõ nhóm vấn đề và đề nghị bỏ Luật Đầu tư, lý do bỏ, và nếu có giữ lại thì chỉ giữ lại một phần thôi. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là cơ quan có thẩm quyền.
Hay như với Luật Kinh doanh bất động sản, các chuyên gia đề nghị thay bằng Luật Bất động sản trong tương lai. Nhưng khi chưa ra được Luật Bất động sản, trong ngắn hạn cần sửa đổi luật này. Như vậy, các chuyên gia thiết kế ra các phương án khác nhau.

Ví dụ nữa là Luật Đất đai sửa đổi, chúng tôi cũng tôn trọng các trưởng nhóm. Họ không đưa vào báo cáo sự công nhận sở hữu tư nhân về đất đai, là ý kiến rất tâm huyết của vài chuyên gia. Nhưng trong các tài liệu kèm theo chúng tôi có gửi các ý kiến này để các cơ quan có thẩm quyền biết, vì sao nên công nhận sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể và sở hữu quốc gia về đất đai.

Với tư cách là nhà tổ chức, chúng tôi không can thiệp sâu vào quyết định của các trưởng nhóm, nhưng chúng tôi cung cấp tối đa ý kiến của những luật gia, các hiệp hội.

PV: Ông đã nghe không ít ý kiến của nhiều chuyên gia uy tín và kinh nghiệm cho rằng quy trình làm luật của chúng ta bị ngược, tức là luật do các bộ thiết kế, thay vì Quốc hội. Ông thấy thế nào?

– Các chuyên gia nói ở 90% các nước là chính phủ làm luật, và ở các nước còn lại thì các nghị sĩ giữ chức năng làm luật. Nhưng xem chính phủ họ làm như thế nào? Các bộ trưởng làm chính sách là chính và bộ máy ở dưới giúp họ. Trong khi đó, những dịch vụ công hàng ngày được xã hội hóa tối đa, ít nằm trong chức năng của các bộ. Như vậy, chức năng của các chính phủ này là kiến tạo phát triển. Cái gốc của vấn đề là nhà nước phải thoát ra khỏi kinh doanh thì mới làm luật công tâm được.

Ở ta, các bộ cứ bị vướng vào chuyện kinh doanh mãi. Ngoài ra, hiện có khoảng 95% luật là từ Chính phủ soạn thảo, trong khi đó, các đại biểu Quốc hội phần nhiều là không chuyên trách, nên cũng không có đủ điều kiện làm luật. Cả hai yếu tố này cho thấy quá trình làm luật ở ta còn khó khăn thế nào.

PV: Ông rút ra vấn đề gì chung với quá trình soạn thảo các luật đó?

– Luật của Việt Nam quá khung, quá ống, quá khó để áp dụng ngay. Hơn nữa, quy trình làm luật là khép kín. Nói là cấp bộ làm luật, nhưng thực ra chỉ có mấy người làm với nhau, đem ra lấy ý kiến các bộ, ngành thì cũng chỉ ghi phiếu đồng ý hay không đồng ý. Ra Quốc hội, có đại biểu nói trước mấy ngày mới nhận được tới 20 ký tài liệu, làm sao mà đọc được. Vậy làm sao có luật tốt được?

PV: Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình rà soát 16 luật này như thế nào? Dường như cộng đồng doanh nghiệp ít quan tâm thì phải?

– Là nhà tổ chức, chúng tôi cố gắng mời đại diện các hiệp hội và các thành viên tham gia. Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp thu hút rất đông người, có tính đại diện rất rõ. Ở bình diện chung, thì sự tham gia của doanh nghiệp là có, họ tham vấn nhiều, phản biện tích cực.

Nhưng đúng là khó để người ta quan tâm. Trên trang VIBonline đáng ra chúng tôi phải nhận được phản hồi nhiều, nhưng thực tế là chưa nhiều. Đó có lẽ là câu chuyện chung vì các bộ, ngành khi làm luật cũng gặp tình trạng đó. Người ta thờ ơ với luật pháp. Rõ ràng luật pháp không phải là công cụ chủ yếu trong con mắt của doanh nghiệp và người dân để điều chỉnh mối quan hệ với Nhà nước. Đó mới là điều nguy hiểm.

PV: Ông nhận thấy kinh nghiệm gì là tâm đắc nhất với nhà làm luật?

– Về cơ bản là hệ thống pháp luật của chúng ta chưa tốt, hay chưa được tôn trọng, vì thế sự can thiệp hành chính hiện nay là phổ biến. Biện pháp can thiệp hành chính chỉ giải quyết được tình huống, vì vậy mà bốn năm năm vừa rồi chúng ta cứ loay hoay mãi.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online