Chưa thống nhất về cơ quan phòng chống rửa tiền
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiều 21/3, Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền. Một số đại biểu cho rằng, nên đặt cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước. Ý kiến khác đề nghị giao cho Bộ Công an là cơ quan đầu mối phối hợp. Cũng có một số quan điểm nhất trí với việc thành lập Ủy ban phòng chống rửa tiền độc lập hoặc một cơ quan độc lập của Chính phủ để tham mưu, quản lý. Ý kiến cuối cùng cho rằng, chỉ nên quy định một cách nguyên tắc về cơ quan này, giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong điều kiện giao dịch tiền mặt còn lớn như hiện nay, chỉ phát hiện và xử lý hành vi rửa tiền thông qua kiểm soát giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Thực tế, cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước, với tên gọi Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền, sau là Cục phòng chống rửa tiền được thành lập năm 2006. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, cơ quan này vẫn có sự phối hợp tốt với các đơn vị khác. Do đó, trong những năm tới, đặt cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước là hợp lý.

Vẫn quan điểm như các lần thảo luận trước, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết nên đặt cơ quan phòng chống rửa tiền tại Bộ Công an. Nguyên nhân là, tội phạm rửa tiền rất tinh vi, không đơn thuần chỉ qua ngân hàng mà còn qua các hình thức khác như ma túy, nhà hàng, du lịch, khách sạn, đánh bạc… Ngân hàng Nhà nước khó có thể nắm hết các hành vi này, do đó, nên để Bộ Công an chuyên trách, sau đó phối hợp với ngân hàng và các bộ liên quan cùng xử lý thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, ông đồng tình với ý kiến của Ủy ban Kinh tế, nên đặt cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước vì 5 năm qua, Cục phòng chống rửa tiền đã hoạt động có hiệu quả, kinh nghiệm. Mặt khác, theo ông, hoạt động rửa tiền hiện nay cùng với những thông tin liên quan, chủ yếu giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, ông cũng nêu ý kiến, cơ quan này sau khi thành lập, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, để triển khai hiệu quả hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách cũng nêu ý kiến, nên xem xét quy định thêm nhiều giao dịch khác liên quan, ngoài các giao dịch thông qua ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay bất động sản.

Cũng đồng tình với ý kiến đặt cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, hoạt động rửa tiền cũng có qua ngân hàng, nhưng rất ít. Trong khi đó, thông tin nếu chỉ quy định cho Ngân hàng Nhà nước quản lý, thì sẽ bó hẹp và không mang tính chất rộng rãi.

Còn theo quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, cần phân biệt rạch ròi khái niệm “mô hình” với “cơ quan thông tin” phòng chống rửa tiền. Khái niệm thứ nhất rộng hơn, còn “cơ quan thông tin phòng chống rửa tiền” chỉ là một nội dung thông tin. “Nếu đơn thuần là cơ quan thông tin phòng chống rửa tiền, nên vẫn để Ngân hàng Nhà nước. Còn cơ quan phòng chống rửa tiền, nên để ở Bộ Công an”, Phó Chủ tịch nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét, trong 5 năm hoạt động, Cơ quan thông tin phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước chưa phát hiện được vụ rửa tiền nào thực sự lớn, có dấu hiệu hình sự mà chủ yếu làm chức năng thông tin. Hiệu quả của cơ quan này cũng chưa cao.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên xem xét bỏ quy định về cơ quan phòng chống rửa tiền. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu cần cơ quan để báo cáo, nên để cho cơ quan thông tin quốc gia chủ trì. “Cái gì cần công bố, không công bố, lúc nào đình chỉ giao dịch thì gửi Bộ Công an, để cơ quan điều tra xem xét vì cơ quan này cũng có nhiệm vụ độc lập trong thu thập xử lý thông tin về hành vi rửa tiền”, ông nói.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo cần chỉnh sửa quy định mô hình cơ quan thông tin phòng chống rửa tiền trước khi báo cáo Dự thảo luật ra Quốc hội. Bà Ngân cho biết, nên xem lại cả vai trò của công an, tòa án, viện kiểm sát…

Tuệ Minh
Nguồn: Báo điện tử VnExpress